Indonesia thông qua quy định mới chống cháy rừng

- Thứ Hai, 12/10/2020, 06:55 - Chia sẻ
Một dự luật bãi bỏ quy định trên phạm vi rộng vừa được Quốc hội Indonesia thông qua đã siết chặt việc sử dụng lửa đốt nương rẫy và hạ cấp một điều khoản pháp lý quan trọng - vốn được giới chức sử dụng để khởi kiện các doanh nghiệp, nông trường vì những đám cháy lan rộng khiến Indonesia và các quốc gia láng giềng chìm trong khói mù hàng năm.

Thực ra, thay đổi trên từ lâu đã có trong chương trình nghị sự của Indonesia. Năm 2017, các nhóm công nghiệp đã yêu cầu tòa án cao nhất của quốc gia bãi bỏ các quy tắc quy định công ty nông trường phải chịu trách nhiệm nghiêm ngặt về hỏa hoạn xảy ra trên đất của họ và chấm dứt miễn trừ lệnh cấm sử dụng lửa cho nông dân người bản địa có hành động phù hợp với “thông lệ” của bộ lạc.

Nguồn: AP

Ở Indonesia, đốt là cách rẻ nhất giúp giải phóng đất để trồng trọt, vì vậy cả nông dân lẫn các nhà đầu tư lớn đều thực hiện việc đó mà ít để tâm đến các chi tiết pháp lý. Kết quả là, cháy rừng không kiểm soát đã trở thành chuyện xảy ra gần như hàng năm. Năm ngoái, theo số liệu của chính phủ, đốt rừng làm nương rẫy ở Indonesia diễn ra trên diện tích bằng một nửa diện tích của Bỉ, chủ yếu là trên các đảo Sumatra và Borneo, và thải ra gần gấp đôi lượng carbon dioxide so với vụ cháy Amazon năm 2019.

Tuy vậy, khi chính phủ tìm cách trấn áp nạn đốt rừng trái phép, các doanh nghiệp, nông trường lập luận rằng, khái niệm trách nhiệm pháp lý nghiêm ngặt, được ghi trong cả Luật Lâm nghiệp 1999 và Luật Môi trường 2009, đã quy trách nhiệm không công bằng cho những vụ cháy rừng xảy ra trên đất của họ, cho dù họ có phải chịu trách nhiệm gây ra chúng hay không.

Thực tế, phiên bản trước đó của dự luật vừa được thông qua đã hạ cấp khái niệm trách nhiệm pháp lý nghiêm ngặt trong cả hai luật trên. Tuy nhiên, sau nhiều chỉ trích rằng thay đổi đó sẽ cản trở các nhà chức trách trong cuộc chiến chống lại khói mù, chỉ có điều khoản trách nhiệm pháp lý nghiêm ngặt trong Luật Môi trường năm 2009 được sửa đổi để khoan dung hơn cho các công ty.

Bản sửa đổi đã xóa cụm từ “không cần chứng minh lỗi” khỏi Điều 88, Luật Môi trường 2009, trước đây có nội dung: “Bất kỳ ai có hành động, hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những tổn thất phát sinh mà không cần chứng minh lỗi”.

Phản ứng trước những thay đổi này, ông Reynaldo Sembiring, Giám đốc điều hành của Trung tâm Luật Môi trường Indonesia, tỏ ra lo ngại: “Mối quan tâm lớn nhất của tôi là khả năng chuyển gánh nặng trách nhiệm pháp lý từ công ty đốt rừng sang cộng đồng”, “cho đến nay, ai cũng biết các công ty thường tự vệ bằng cách đổ lỗi cho đám cháy là do hành động của cộng đồng địa phương hoặc cho rằng đám cháy bắt nguồn từ đất cộng đồng”.

Bên cạnh việc nới lỏng điều khoản liên quan đến hành động đốt rừng của các công ty nông trường, luật mới còn mở rộng lệnh cấm sử dụng lửa để khai khẩn đất đai đối với những người nông dân tự cung, tự cấp, khiến việc xử lý hình sự đối với người bản địa vì các hành vi đốt rẫy truyền thống trở nên dễ dàng hơn. Trước đó, theo Luật Lâm nghiệp 1999 của Indonesia, những người sống trong rừng hoặc liền kề chỉ bị xử phạt hành chính chứ không phải hình sự vì tội “đốt rừng”, hay thậm chí không phải chịu trách nhiệm nào nếu họ đã được đăng ký với chính phủ là người bản địa hoặc đã phải chịu sự trừng phạt theo “thông lệ” của các bộ tộc.

Mặc dù vậy, đến năm 2009, Luật Môi trường được thông qua đã quy định “dọn đất bằng hình thức đốt” là tội hình sự có thể bị phạt đến 3 năm tù. Điều khoản trên giúp các công tố viên dễ dàng xử lý những trường hợp miễn trừ trong chính luật này trước đây đối với “thông lệ đốt nương rẫy” của các bộ lạc người bản địa, vốn cho phép nông dân bản địa được đốt lên đến 2ha đất trồng trọt, miễn là họ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhất định như đào đai trống phòng lửa và thông báo cho trưởng làng.

Linh Anh