Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách

Huy động sự tham gia từ các hội nghị tham vấn

- Thứ Bảy, 27/11/2021, 06:32 - Chia sẻ
Với mục đích huy động sự tham gia, đóng góp ý kiến của các địa phương về dự thảo Nghị quyết quy định “Cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Nam năm 2022, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 - 2025” làm cơ sở trình HĐND tỉnh ban hành phù hợp tình hình thực tiễn, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị tham vấn tại 3 cụm huyện. 17/18 huyện đã kiến nghị nhiều vấn đề cụ thể, là những thông tin quan trọng để Ban thẩm tra.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tham vấn cụm 3 Ảnh Tấn Quang
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tham vấn cụm 3
Ảnh Tấn Quang

Đánh giá rõ hạn chế để điều chỉnh phù hợp

Giai đoạn 2017 - 2021, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách các cấp được thực hiện theo Nghị quyết 21/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên cũng bộc lộ không ít bất cập, hạn chế và có nội dung chưa kịp thời điều chỉnh theo quy định mới. Trên cơ sở đó, cơ quan tham mưu đề nghị phân cấp, phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất giữa các cấp ngân sách phù hợp và tạo động lực khuyến khích địa phương khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn thu này. Nghiên cứu tỷ lệ điều tiết tối đa các khoản thu phân chia cho các địa phương không tự cân đối ngân sách, hạn chế bổ sung cân đối từ ngân sách tỉnh.

Đối với định mức chi thường xuyên, cơ quan tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền giao chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP làm cơ sở xây dựng định mức chi thường xuyên theo biên chế; phân bổ quỹ lương bình quân theo khu vực xã và chỉ tiêu biên chế được giao; nâng định mức chính và giảm các tiêu chí bổ sung; đối với các lĩnh vực chi theo dân số thì chuyển sang theo đơn vị hành chính để đơn giản, dễ tính toán nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý.

Nhiều ý kiến thiết thực

Trao đổi, thảo luận tại hội nghị, đa số các địa phương thống nhất với định hướng quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi do Sở Tài chính tham mưu. Đồng thời, đề xuất nhiều nội dung cụ thể, thiết thực.

Góp ý về cơ chế điều tiết nguồn thu mới, lớn phát sinh trên địa bàn, các địa phương đề nghị cần tham khảo định hướng của Trung ương để xây dựng định mức nguồn thu lớn cho phù hợp, cụ thể với từng vùng, miền. Đồng thời, đề nghị cân nhắc việc đưa khoản thu tiền sử dụng đất vào khoản thu xác định nguồn thu phát sinh mới như đề xuất vì thực tế khoản thu tiền sử dụng đất phát sinh đối với các dự án được để lại đầu tư cho các công trình, thường thực hiện trong nhiều năm mới phát sinh nguồn thu; nếu xác định là nguồn thu mới thực hiện nộp về ngân sách cấp trên theo quy định, sẽ gây khó khăn cho địa phương trong thực hiện các dự án theo kế hoạch. Địa phương cũng kiến nghị xem xét, rà soát cơ chế điều tiết nguồn thu này để tạo công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý, điều hành ngân sách...

Về phân bổ quỹ tiền lương theo hệ số lương bình quân khu vực, cơ quan tham mưu đề xuất phân bổ quỹ tiền lương theo hệ số lương bình quân, có xét theo từng khu vực và tùy theo từng sự nghiệp chi. Tuy nhiên, đa phần các địa phương đề nghị cân nhắc mức hệ số đối với các khu vực, nhất là các huyện miền núi cho rằng hệ số lương bình quân khu vực như vậy là thấp và không thể thực hiện được. Trong đó, định mức chi sự nghiệp giáo dục theo đề xuất cơ bản bảo đảm hệ số lương của giáo viên tại thời điểm hiện tại; tuy nhiên, khi thực hiện xếp chuyển bậc lương của giáo viên theo các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGD-ĐT sẽ không bảo đảm nguồn. Các địa phương đề nghị xem xét lại phương pháp tính hệ số lương bình quân vừa bảo đảm tính khoa học, vừa bảo đảm tính thực tiễn.

Về chi sự nghiệp giáo dục, cơ quan tham mưu đề xuất phân bổ chi hoạt động sự nghiệp giáo dục được xác định bằng 18% trong tổng dự toán chi (gồm 82% quỹ tiền lương và 18% chi hoạt động) bằng với cơ cấu phân bổ theo định mức giai đoạn 2017 - 2021, song tỷ lệ này chưa phù hợp theo định hướng Trung ương. Các địa phương đề nghị bố trí tăng chi cho sự nghiệp giáo dục phù hợp quy định, góp phần nâng cao chất lượng công tác dạy và học, thực hiện có hiệu quả chương trình đổi mới giáo dục...

Về dự phòng ngân sách, khác với đề xuất dự phòng ngân sách 2% tổng dự toán chi ngân sách cấp đó (không bao gồm các nhiệm vụ chi được bổ sung theo mục tiêu). Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khả năng tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, một số nguồn thu chủ yếu của tỉnh tăng trưởng không cao, trong khi đó nhu cầu chi phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện công tác phòng chống dịch khá lớn. Một số địa phương đề nghị cân nhắc nâng mức dự phòng ngân sách dao động từ 2 - 4% tổng dự toán chi ngân sách cấp đó (không bao gồm các nhiệm vụ chi được bổ sung theo mục tiêu) để tạo chủ động ứng phó trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Dương Thị Thanh Hiền - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND Tỉnh Quảng Nam