“Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Tuyên Quang, với sự nỗ lực không ngừng, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, tỉnh Tuyên Quang đã có 36/124 xã (chiếm 29,03%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 84 xã đạt chuẩn xã NTM, trong đó ít nhất 30% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Tuyên Quang đã rà soát hiện trạng nông thôn, thành lập ban chỉ đạo các cấp về xây dựng NTM; phê duyệt Ðề án xây dựng NTM giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030; ban hành kế hoạch thực hiện cho từng giai đoạn cụ thể. Ðồng thời, tỉnh cũng phát động phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng NTM”; cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM để triển khai thực hiện.
Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ kế hoạch của tỉnh chủ động tổ chức triển khai thực hiện chương trình theo các mục tiêu đề ra, trong đó tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân nông thôn về chủ trương, định hướng và chính sách trong xây dựng NTM. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Giai đoạn 2011 - 2020, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh đạt gần 16.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.731 tỷ đồng, huy động từ cộng đồng dân cư hơn 2.139 tỷ đồng.
Hết năm 2020, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh lên 47 xã; có ít nhất 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; các xã còn lại bình quân đạt 15 tiêu chí/xã. Ðể đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đã triển khai xây dựng 269,46km đường giao thông; 34 công trình cầu, tràn, kè chống sạt lở; 160km kênh mương bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn; 37 công trình thủy lợi đầu mối; 19 công trình điện; 15 công trình trường mầm non, mẫu giáo; 26 công trình trường tiểu học; 13 công trình trường trung học cơ sở; làm 26 nhà văn hóa xã, 6 sân thể thao xã...
Mô hình “Thắp sáng đường quê” cũng là một điểm sáng trong xây dựng NTM ở Tuyên Quang. Ðến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 127 công trình “Thắp sáng đường quê” có tổng chiều dài 175km với kinh phí 2,5 tỷ đồng, qua đó tạo thuận lợi trong việc đi lại của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Ðiển hình như xã vùng cao Lăng Can (huyện Lâm Bình) làm được 15,8km, xã Sơn Nam (huyện Sơn Dương) 28km, xã Thái Hòa (huyện Hàm Yên) hoàn thành trên 26km. Ðây là những công trình của đoàn thanh niên các cấp chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng và hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng NTM của tỉnh.
Hầu hết các địa bàn có mô hình “Thắp sáng đường quê” do đoàn thanh niên đóng vai trò chủ lực, nhưng cũng có địa bàn chính quyền, Mặt trận tổ quốc đóng vai trò chủ trì, vận động Nhân dân. Một số địa phương khác, hoặc Mặt trận, các đoàn thể vận động các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư vốn xây dựng trao tặng cho Nhân dân địa phương, sau đó địa phương và các tổ chức đoàn thể, Nhân dân sẽ bảo trì, duy tu hàng năm.
Thường xuyên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ (huyện Yên Sơn) Trần Quyết Cường cho biết, đầu năm 2020, xã còn bốn tiêu chí chưa đạt là giao thông, điện, trường học, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên cơ sở nguồn lực được Nhà nước hỗ trợ và lồng ghép từ các chương trình, dự án, xã đã huy động tối đa nội lực triển khai xây dựng các công trình để bảo đảm hoàn thành theo đúng kế hoạch. Tuyến đường từ trung tâm xã về thôn Ðèo Trám dài 4,7km, với tổng vốn đầu tư 14 tỷ đồng đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đường giao thông, các công trình trường học, một số nhà văn hóa thôn và đường điện đi vào thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ cũng bước vào giai đoạn hoàn thiện, để kịp đưa vào sử dụng dịp Tết Nguyên đán 2021.
Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM ở Tuyên Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chánh Văn phòng Ðiều phối NTM tỉnh Nguyễn Văn Việt cho biết, để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình và xác định được trách nhiệm “chủ thể” của người dân cũng được đặc biệt quan tâm. Cùng với đó, gia đình cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu thực hiện trước, chủ động trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã NTM, nhất là thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Việc huy động nguồn lực của cộng đồng, người dân trong xây dựng NTM phải bảo đảm công bằng, công khai, dân chủ, tự nguyện, phù hợp khả năng đóng góp của Nhân dân; thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM tại các địa phương…
Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ để hoàn thành các mục tiêu. Cụ thể, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa gắn với sân thể thao thôn; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã; hỗ trợ sản xuất hàng hóa; thực hiện các giải pháp giảm nghèo gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ðồng thời, Tuyên Quang tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức đảng trong lãnh đạo xây dựng NTM. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng NTM”. Thường xuyên nắm bắt, phát hiện những cách làm hay, mô hình tốt để phổ biến, nhân rộng. Làm tốt công tác khen thưởng để kịp thời động viên các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho Chương trình xây dựng NTM của tỉnh thời gian tới.