Hút doanh nghiệp nâng chất kỹ năng nghề

- Thứ Ba, 16/11/2021, 21:07 - Chia sẻ
Thời gian qua, Bộ lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) luôn khuyến cáo cũng như tạo lập hành lang cơ chế, chính sách nhằm thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề. Tuy nhiên, dường như sự gắn kết giữa hai đối tác chưa thực sự như mong đợi. Do đó, tọa đàm "Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và người đào tạo là người của doanh nghiệp" do Tổng cục GDNN tổ chức chiều 16.11 được kỳ vọng sẽ tìm ra những giải pháp đủ mạnh để thu hút những người có trình độ cao, tay nghề giỏi tham gia vào GDNN, đặc biệt là những người đang làm việc tại các doanh nghiệp.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương phát biểu
Ảnh: T. Trung

Học đi đôi với hành

Báo cáo của Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục GDNN Trần Minh Thịnh cho hay, hiện cả nước có gần 84 nghìn nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở GDNN. Trong đó, có trên 92% nhà giáo đạt chuẩn về sự nghiệp sư phạm; khoảng 70% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành. Sự phát triển của đội ngũ nhà giáo đã góp phần vào thành quả của hệ thống GDNN với trên 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có việc làm; có trường, có nghề đạt tỷ lệ 100% với mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng.

Toàn cảnh Tọa đàm
Ảnh: T. Trung

Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN vẫn còn nhiều bất cập như trình độ kỹ năng nghề của nhà giáo nhìn chung còn hạn chế, tỷ lệ nhà giáo vừa dạy được lý thuyết vừa dạy được thực hành thấp (khoảng 51%). Kỹ năng phát triển chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy tiếp cận năng lực và yêu cầu chuyển đổi số trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19. Đặc biệt, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người có trình độ cao, tay nghề giỏi tham gia vào giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là những người đang làm việc tại các doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm
 Ảnh: T. Trung

Trước thực tế trên, trong định hướng phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN giai đoạn 2021-2025, Tổng cục GDNN xác định, phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN theo hướng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng. Đặc biệt hình thành và phát triển đội ngũ người đào tạo là người của doanh nghiệp để tham gia vào đào tạo các cấp trình độ của GDNN.

Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức hoạt động đào tạo thông qua vị trí công việc. Có tới 70 - 80% doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử...  đã cử lao động lành nghề có kỹ năng đứng ra kèm cặp cho các nhân viên mới tham gia vào các công đoạn trên dây chuyền sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng hợp tác, tham gia vào trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng như đào tạo nội bộ để người lao động có kỹ năng tham gia vào sản xuất nhanh nhất.

Luật hóa “Đào tạo viên doanh nghiệp”

Hiện nay, nhiều trường đã coi doanh nghiệp là thành phần không thể thiếu của GDNN. Đại diện trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp (Vĩnh Phúc) cho hay, nhà trường coi việc liên kết mật thiết với doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, là chìa khóa giải quyết các vấn đề đảm bảo việc đào tạo đạt hiệu quả. Doanh nghiệp đã tham tham tất cả các khâu trong quá trình đào tạo của nhà trường như đưa ra dự báo nhu cầu nhân lực phục vụ công tác tuyển sinh, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tham gia vào hoạt động đào tạo tại ở cả trường và doanh nghiệp.... Đây cũng là quan điểm của Hiệu trưởng trường cao đẳng Kỹ nghệ II, TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hằng. Chính vì vậy, nhiều năm nay, ngôi trường này đã thu hút được nhiều học sinh sinh viên tham gia học tập và cũng là trường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm cao.

Tuy nhiên, bài toán khó là làm thế nào để doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích của họ khi tham gia vào các hoạt động đào tạo của GDNN chứ không phải chỉ đơn thuần ràng buộc từ khung pháp lý. Điều này đòi hỏi mỗi cơ sở GDNN phải xây dựng cho mình những chiến lược, phương pháp cụ thể, đặc thù khi tiếp cận và phát triển quan hệ doanh nghiệp. Về vấn đề này chuyên gia GIZ Bùi Thế Dũng chia sẻ, vai trò chủ đạo có thể là nhà trường hoặc doanh nghiệp. Kiểu kết hợp giữa doanh nghiệp với trường nghề, trong đó doanh nghiệp là chủ thể đào tạo nổi tiếng với tên gọi đào tạo kép, được áp dụng thành công ở nhóm các nước nói tiếng Đức như Đức, Áo, Thụy Sỹ. Người học có được kiến thức, kỹ năng và năng lực nghề vững vàng và có thể tham gia sản xuất kinh doanh ngay sau khi tốt nghiệp. “Thiết kế này cũng có thể được xem như mô hình đào tạo kép kiểu mới” – ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng khẳng định, việc kết nối nhà trường với doanh nghiệp là nhiệm vụ khó khăn và yếu tố sống còn với GDNN không chỉ với Việt Nam mà ở hầu hết các nước. Nhiệm vụ này chỉ có thể thực hiện nhờ các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách ở cấp vĩ mô cũng như nâng cao chất lượng thể chế, phát triển và thực hiện dạy học của hai đối tượng chính nhà trường - doanh nghiệp ở cấp vi mô mà người đào tạo tại doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng, then chốt.

Quan điểm của ông Dũng được nhiều đại biểu ủng hộ. Theo đó, để huy động các chuyên gia, lao động giỏi của doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề nên thể chế hóa chức danh đào tạo viên doanh nghiệp; ban hành tiêu chuẩn đào tạo viên doanh nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; đào tạo và xây dựng mạng lưới đào tạo viên doanh nghiệp...

Kết luận Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, công tác nhà giáo trong giai đoạn tới là sẽ ưu tiên hợp tác và cung ứng, chia sẻ nguồn nhân lực và kinh nghiệm của các nhà giáo Việt Nam với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Phi. Bên cạnh đó, nhà giáo tại các cơ sở GDNN cần chuẩn bị sẵn sàng điều kiện, cơ hội, học tập và tập huấn ở nước ngoài.

Bình Nhi