Giáo dục nghề nghiệp

Hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện

- Thứ Năm, 16/12/2021, 16:06 - Chia sẻ
Nhằm xây dựng đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và đòi hỏi từ cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 thì việc đào tạo kiến thức khoa học, kỹ năng nghề thôi chưa đủ mà cần phải giáo dục cho người học các kiến thức xã hội khác để họ nhận biết và tự chăm sóc, bảo vệ bản thân trước các nguy cơ bệnh tật, lây nhiễm. Đây cũng là mục đích chính của Chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục toàn diện cho người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) do Tổng cục GDNN - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nội vụ và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA tổ chức.

Báo động hậu quả khôn lường

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, sự thay đổi nhanh chóng trong phát triển kinh tế - xã hội, cùng với khả năng tiếp cận thông tin, đặc biệt từ các phương tiện thông tin đại chúng, internet đã có những tác động to lớn đến lối sống và hành vi sức khỏe của vị thành niên và thanh niên. Đáng quan ngại, các hành vi gây nguy cơ không tốt cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng như: Quan hệ tình dục không an toàn, dẫn đến hậu quả mang thai ngoài ý muốn; nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trong số người trẻ. Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại, một số nơi có xu hướng gia tăng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn đề này, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm gia tăng nhanh số lượng và giảm chất lượng dân số, để lại những hệ lụy lâu dài cho xã hội.

Cần chuẩn hóa giáo trình giáo trình giáo dục giới tính tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Cần chuẩn hóa giáo trình giáo dục giới tính tại các cơ sở GDNN

Trước thực trạng này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Tổng cục GDNN thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cơ quan, đơn vị liên quan, luôn quan tâm, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên học tập, rèn luyện toàn diện để trở thành những lao động vừa có kiến thức, có tay nghề, có kỹ năng phòng, tránh những nguy cơ có thể gây nên hậu quả không mong muốn. Chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, bình đẳng giới và phòng, chống HIV là một trong các chương trình góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng trên cho người học trong các cơ sở GDNN.

Thiết thực và quan trọng

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, việc ban hành Chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục toàn diện cho người học là một bước tiến quan trọng. Đây cũng là bước đệm cho việc có một chương trình chính thức trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho người học trong cơ sở GDNN; trong đó, đa phần là học sinh, sinh viên, các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời.

Để những bài học lan tỏa tới sinh viên một cách đầy đủ, kịp thời, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục GDNN tổ chức triển khai, hướng dẫn các cơ sở GDNN triển khai chương trình hiệu quả. Trong chu kỳ tới, tiếp tục phối hợp với Vụ Công tác thanh niên Bộ Nội vụ, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc xây dựng văn kiện dự án tập trung vào việc tập huấn cho đội ngũ chuyên gia nòng cốt triển khai chương trình; hình thành và phát triển mạng lưới tư vấn viên chương trình nhằm giải đáp thắc mắc cho người học một cách tốt nhất; tiếp tục xây dựng những công cụ số để học sinh, sinh viên có thể trao đổi, thảo luận và tìm hiểu thêm về nội dung, kiến thức, kỹ năng cần có để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đối với các cơ sở GDNN, cần nhanh chóng triển khai chương trình trong nhà trường, tuyên tuyền để học sinh, sinh viên tiếp cận và học tập; giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, nhà giáo trong việc theo dõi, quản lý học sinh, sinh viên học chương trình; lồng ghép việc triển khai chương trình với các hoạt động giáo dục khác đảm bảo hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí.

Đối với học sinh, sinh viên: đây là một chương trình bổ ích, dễ hiểu, cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng đa dạng về những vấn đề “khó chia sẻ, khó nói ra”, các em có thể chủ động cân đối thời gian để tự tìm hiểu, tự học trực tuyến trên máy tính và trên điện thoại thông minh. Tôi tin rằng, Chương trình sẽ giúp ích các em trong cuộc sống và tương lai của mình; các em hãy truy cập trang web, tiếp cận chương trình và tuyên truyền cho các bạn khác cùng tham gia”- Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Ở góc độ chuyên gia về dân số, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc nâng cao kỹ năng nghề và cả kỹ năng sống cho các sinh viên. Việc phê duyệt đưa giáo dục giới tính và tình dục toàn diện vào chương trình GDNN trên toàn quốc có ý nghĩa quan trọng, bởi từ nay trở đi, có ít nhất hơn 4 triệu người học từ 15 đến 24 tuổi trong tất cả các cơ sở GDNN khắp cả nước, và mỗi năm có 2,3 triệu người học mới trong các chương trình GDNN sẽ được tiếp cận với một chương trình giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trực tuyến, có tính hệ thống, điều mà các bạn trẻ có thể chưa nhận từ các chương trình giáo dục phổ thông. Việc được giáo dục một cách toàn diện không những giúp các bạn trẻ trở thành những người thợ giỏi mà còn là những công dân tốt góp phần xây dựng đất nước phồn vinh.

Dương lê