Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam LÊ VĂN DŨNG:

Hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, đề cao an sinh xã hội

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 18:16 - Chia sẻ
Trao đổi xoay quanh những kết quả nổi bật của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, từ điểm cầu tỉnh Quảng Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh LÊ VĂN DŨNG cho biết: Diễn đàn đã đạt được các mục tiêu quan trọng trong việc phân tích tình hình kinh tế, xã hội hiện nay, cả thời cơ lẫn thách thức; đánh giá được tính ưu khuyết của các chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế; khuyến nghị hệ thống giải pháp đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, mang tính đột phá, hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, đề cao an sinh xã hội trên cơ sở phù hợp với những dự báo về xu hướng kinh tế quốc tế.

Khuyến nghị hệ thống giải pháp đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm

- Những tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4, đã ảnh hưởng mạnh mẽ và tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đặt trong bối cảnh này, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 có ý nghĩa như thế nào đối với mục tiêu đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới, thưa ông?

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng

- Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 diễn ra trong bối cảnh bức tranh kinh tế, xã hội Việt Nam đan xen phức tạp giữa những gam màu sáng tối. Mới đây, kinh tế cả nước quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ, tăng trưởng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42% trong báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai đã cho thấy tác động khốc liệt của đại dịch đến nền kinh tế. Bình thường mới, những dư chấn nặng nề vẫn còn đó với nhiều bất ổn cả về kinh tế và xã hội, trong khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, nguy cơ từ những biến thể mới của virus SAR-COV-2, lạm phát và những bất ổn của chính trị và kinh tế thế giới là những yếu tố phải luôn luôn được quan sát, xem xét và đánh giá thận trọng.

Điều đáng ghi nhận là nhờ nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, kinh tế vĩ mô luôn giữ được ổn định. Bước sang tháng 11 vừa qua, bức tranh kinh tế Việt Nam đã có những gam màu sáng, sản xuất công nghiệp phục hồi ở nhiều địa phương với chỉ số IIP tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu và dịch vụ tăng 6,2% so với tháng trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, ấn tượng, thu ngân sách nhà nước đạt gần 1.400 nghìn tỷ đồng, về đích trước 1 tháng so với kế hoạch. Quốc hội rất tin tưởng, kỳ vọng vào Chính phủ khi đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 6 - 6,5% trong năm 2022.

Đặt trong bối cảnh này, Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 là hội nghị quan trọng hàng đầu của Việt Nam, không chỉ về kinh tế mà còn mang lại những giá trị sâu sắc về chính trị, xã hội. Những tham luận, thảo luận của các chính khách, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam và sự góp mặt của các tổ chức kinh tế lớn của thế giới và khu vực chứa đựng những hàm ý quan trọng cho việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà chúng ta đang gấp rút hoàn thiện. Tôi rất ấn tượng với các tham luận về một số chính sách tài khóa và tiền tệ, những giải pháp từ chuyển đổi số; giải pháp đẩy mạnh phục hồi kinh tế; những khuyến nghị chính sách về lao động, thị trường lao động và việc làm; những cải cách thể chế.... Đáng chú ý, Diễn đàn kinh tế lần này đã dành nhiều sự quan tâm đến chuyển đổi số và cải cách thể chế. Đây cũng là những giải pháp mang tính đột phá, là hướng đi phù hợp với Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 mà Quốc hội vừa thông qua. Tôi tin rằng, các giải pháp này sẽ là những dấu ấn quan trọng trong phục hồi, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong giai đoạn tới .

 - Với các nội dung toàn diện cả về kinh tế và xã hội được thảo luận kỹ lưỡng, các đề xuất được đưa ra tại Diễn đàn sẽ giúp Quốc hội nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, thưa ông?

- Gồm khoảng 60 điểm cầu tại Trung ương và các tỉnh, thành với đông đảo các ĐBQH trên toàn quốc tham dự, tôi cho rằng: Có thể xem Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là một hội nghị trực tuyến của Quốc hội với nhiều nội dung, thành phần mở rộng. Trong thời lượng chừng mực, Diễn đàn đã đạt được các mục tiêu quan trọng trong việc phân tích tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, cả thời cơ và thách thức, đánh giá được tính ưu khuyết của các chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế, khuyến nghị hệ thống giải pháp đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, mang tính đột phá, hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, đề cao an sinh xã hội trên cơ sở phù hợp với những dự báo về xu hướng kinh tế quốc tế. Đó là thành công rất lớn của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, đúng với chủ đề phục hồi và phát triển bền vững. Chắc chắn, đây sẽ là nguồn thông tin bổ ích, nguồn căn cứ khoa học, thực tiễn giá trị giúp ĐBQH củng cố quan điểm, lập trường của mình trong việc tham gia xây dựng các chính sách, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 tại điểm cầu Quảng Nam
Ảnh: T.D

Thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu

- Không chỉ tập trung về các vấn đề về kinh tế, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 còn mở rộng quy mô, nội dung, đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường. Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ gắn kết giữa giải quyết các vấn đề kinh tế với các vấn đề xã hội trong tổng thể kế hoạch phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay?

- Không phải đến khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mối quan hệ gắn kết giữa các vấn đề kinh tế và xã hội mới được xem xét đầy đủ và toàn diện trong các đường lối, chính sách, kế hoạch về phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Song, khác với những lần trước đó, Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 đã mở rộng, đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường bên cạnh các chủ đề kinh tế.

Tôi cho rằng, việc này là nhất quán với quan điểm của Đảng và nhà nước ta trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh với hàng loạt các chủ trương, chính sách được ban hành hướng đến phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân song song với việc phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế. Trong một vài cao điểm, chúng ta đã bỏ qua những thiệt hại lớn về kinh tế, chấp nhận các rủi ro để hướng đến Nhân dân, xem tính mạng, sức khỏe, cuộc sống của Nhân dân là trên hết, trước hết. Trong đó, các Nghị quyết 30, Nghị quyết 268 Quốc hội với nhiều nội dung chưa được quy định trong luật, chưa có tiền lệ, khác với quy định của pháp luật hay Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ với tổng mức hỗ trợ 27 nghìn tỷ đồng mà phần lớn dành cho an sinh xã hội là những ví dụ hết sức điển hình.

Thời gian tới, những giải pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước ta vẫn trong thực hiện mục tiêu kép vẫn sẽ luôn là giải quyết vấn đề kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội. Điều đó thể hiện rõ trong Nghị quyết 32/2021/QH15 của Quốc hội đã đề ra mục tiêu cho năm 2022: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp”. Tôi cho rằng, trọng tâm, chúng ta phải xây dựng được một hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó chống dịch phải thuận lợi cho lao động, cho giáo dục, cho lưu thông. Nhân dân chỉ có thể an tâm lao động, doanh nghiệp chỉ có thể ổn định hoạt động khi các điều kiện sinh sống, làm việc, an toàn sức khỏe của người dân được đảm bảo. Cần nói thêm rằng đề ra các chiến lược ổn định, phát triển trên cả hai bình diện kinh tế, xã hội cũng là sự phù hợp với xu hướng chung của thế giới hiện nay, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu…

MẠNH TUÂN