Thực hiện Luật Cư trú (sửa đổi)

Hướng đến nền hành chính số

- Thứ Năm, 08/07/2021, 06:24 - Chia sẻ
Thực hiện Luật Cư trú 2020, từ ngày 1.7, công an xã, phường, thị trấn sẽ thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi người dân đến thực hiện thủ tục liên quan thường trú, tạm trú để cập nhật dữ liệu cư trú. Quy định này hướng tới nền hành chính số, giúp người dân rút ngắn thời gian, chi phí, công sức, thuận lợi, dễ dàng hơn khi đi làm thủ tục.
	Công an quận Nam Từ Liêm thực hiện tách sổ đỏ cho công dân ( nguồn Công an quận Nam Từ Liêm)
Công an quận Nam Từ Liêm thực hiện tách sổ đỏ cho công dân
Nguồn Công an quận Nam Từ Liêm

Tách, nhập hộ khẩu chỉ mất- 10 phút

Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành từ 1.7.2021, với những quy định mới không những giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, mà còn đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong quản lý hành chính, nhất là việc triển khai qua Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ghi nhận việc thực hiện Luật Cư trú tại nhiều địa bàn các quận, huyện của Hà Nội trong những ngày qua cho thấy, nhiều người dân, nhất là những gia đình năm nay có con, cháu chuẩn bị bước vào lớp đầu cấp khi nghe thông tin về quy định mới rất hồ hởi đi làm thủ tục tạm trú, tách khẩu cho con em mình. Tại địa bàn quận Nam Từ Liêm, chị Nguyễn Thị H đi làm thủ tục tách khẩu cho con bày tỏ: Năm nay mình có con vào lớp đầu cấp 1 nên rất quan tâm đến việc khai báo thông tin cho con như thế nào khi biết thông tin về việc thu hồi sổ giấy và thực hiện kê khai điện tử. “Nhờ có sự kết nối dữ liệu liên thông nên việc tách khẩu cho con tôi rất nhanh gọn, chỉ mất khoảng 10 phút là xong, không phải khai báo và trình nhiều giấy tờ như trước đây”, chị H cho biết.

Thông tin với báo chí về vấn đề này, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho biết: Đến nay, Công an TP. Hà Nội đã thu nhận được gần 5 triệu dữ liệu thẻ căn cước công dân trên tổng số khoảng 5,2 triệu số công dân của Hà Nội đã đến tuổi làm căn cước công dân. Hiện, Hà Nội đã có khoảng trên 80% công dân được thu nhận dữ liệu. Trong thời gian tới, toàn bộ số dữ liệu này sẽ được sản xuất ra thẻ căn cước công dân và gửi đến người dân để thuận tiện trong tất cả thủ tục giao dịch hành chính.

Yên tâm khi nộp lại sổ hộ khẩu giấy

Bày tỏ sự đồng tình về việc thu hồi sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1.7 ngay khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, nhiều ý kiến cho rằng: Hộ khẩu là sự phân biệt vùng miền không công bằng vì tất cả mọi người sinh ra trên nước Việt Nam đều có quyền bình đẳng. Do đó, việc bỏ hộ khẩu giấy sẽ bỏ được nhiều thủ tục hành chính; người dân sẽ không phải sử dụng nhiều loại giấy tờ photo, sao y mất thời gian, chi phí nữa. Tất cả sẽ truy cập bằng mã định danh cá nhân. Các đơn từ, giấy xác nhận, đăng ký sẽ khai báo theo mẫu trên mạng và email, gửi đi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ không còn cảnh đến các cơ quan chờ đợi đăng ký, nộp hồ sơ giấy tờ. Người dân ngoại tỉnh khi đăng ký hộ khẩu vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh giờ đây cũng trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.

Theo Luật cư trú (sửa đổi) thì việc tách, nhập khẩu do công an xã, phường, thị trấn thực hiện. Trong đó định rõ nghiêm cấm hành vi trì hoãn, gây khó khăn không tiếp nhận giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến cư trú của công dân. Nếu người dân đi làm thủ tục mà bị "gây khó" thì có thể phản ảnh cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền xác minh và xử lý theo quy định.

Dẫu vậy, nhiều ý kiến cũng đặt câu hỏi: Liệu khi bỏ sổ giấy thì giao dịch sẽ được thực hiện như nào? Nếu chẳng may hệ thống điện tử gặp sự cố thì việc lưu trữ thông tin của người dân sẽ được thực hiện như thế nào? Về vấn đề này, đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng từ Trung ương đến địa phương (cấp xã, phường, thị trấn) và bước đầu triển khai một số dịch vụ tra cứu, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu. Theo đó, từ 1.7.2021, nếu người dân không sử dụng sổ hộ khẩu vẫn có thể khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các giao dịch liên quan đến thông tin về cư trú.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 38 Luật Cư trú, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Đối với trường hợp công dân cần chứng minh nhân dân nơi thường trú để thực hiện giao dịch, thủ tục thì công dân có thể yêu cầu cơ quan công an cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú.

Tại Điều 17, Thông tư số 55/2021 Thông tư quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú nêu rõ: Công dân có thể yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú tại công an xã, phường, thị trấn không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình. Công dân có thể gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Giấy xác nhận thông tin về cư trú có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp.

Đến nay Bộ Công an đã hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam đã được thu thập thông tin dân cư trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, đối với các bộ, ban, ngành đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì có thể sử dụng thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu để giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân, không yêu cầu công dân phải xuất trình sổ hộ khẩu để chứng minh nơi thường trú. Trường hợp chưa kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân có thể sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú để chứng minh nơi thường trú. Chính vì vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm khi nộp lại sổ hộ khẩu giấy cho cơ quan công an.

Hải Thanh