Hệ sinh thái từ thiện phát triển

Hướng đến chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả

- Thứ Hai, 02/11/2020, 06:55 - Chia sẻ
Hệ sinh thái từ thiện phát triển (mang tính chiến lược, lâu dài) đã hình thành ở Việt Nam, song còn ở mức sơ khởi, hầu hết hoạt động từ thiện vẫn mang ý nghĩa nhân đạo, cứu trợ là chính... nên khi xảy ra rủi ro, sự cố thiên tai, thay vì tự chủ động ứng phó, không ít người dân vùng lũ, thiên tai địch họa hoàn toàn lệ thuộc và trông chờ vào sự cứu trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân khác.

Mang tính tạm thời

Trong năm 2020, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đối mặt với những xáo trộn, thay đổi và cả khó khăn kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Đặc biệt, tại Việt Nam trong thời gian gần đây khi dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, chúng ta lại gánh chịu hàng loạt thiên tai, bão chồng bão, lũ chồng lũ ở miền Trung gây ra thiệt hại lớn cả về người và tài sản. Theo đó, các hoạt động từ thiện thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã và đang lan rộng trên cả nước.

Đào tạo kỹ năng thoát hiểm là một trong những ưu tiên mà các dự án về từ thiện phát triển hướng đến
Đào tạo kỹ năng thoát hiểm là một trong những ưu tiên mà các dự án về từ thiện phát triển hướng đến

Bàn về câu chuyện từ thiện, bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng: Văn hóa từ thiện đã hình thành ở Việt Nam từ khá lâu, nhất là trong những năm gần đây, hệ sinh thái từ thiện là hoạt động không thể thiếu trong sự phát triển của xã hội. Tuy vậy, khi nói đến từ thiện, người ta thường nghĩ đến tình thương, mang nghĩa nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp, mang tính tạm thời, chứ từ thiện phát triển chưa thật sự được chú trọng, mặc dù nó đã hình thành và ở mức sơ khởi.

Để hướng đến sự chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, khắc phục những hạn chế, ỷ lại của người dân “quen” được cứu trợ, hỗ trợ; tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi...  thúc đẩy từ thiện phát triển là điều tất yếu. Bởi làm từ thiện, lòng tốt không thôi chưa đủ, ngoài trách nhiệm minh bạch thì còn cần những báo cáo về hiệu quả của những đồng tiền từ thiện mà nhà tài trợ đã bỏ ra.

Mặt khác, ngoài những cứu trợ khẩn cấp trong các trường hợp thiên tai, hoạn nạn thì phải có cả những hoạt động thiện nguyện lâu dài của các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp. Theo đó, chủ động trao cho những đối tượng yếu thế trong xã hội "cần câu", dạy cho họ cách "câu cá", khuyến khích họ muốn "đi câu" và tạo một môi trường có "nhiều" cá để người ta "câu".

Theo hướng này, từ thiện phát triển sẽ tạo được năng lực và bản lĩnh cho người được hỗ trợ để dần dần giúp họ có thể đứng trên đôi chân của mình, tự nắm lấy trách nhiệm của cuộc đời mình. “Nếu những người nhận hỗ trợ mà năm này qua năm khác vẫn phải nhận hỗ trợ thì hoạt động từ thiện, hỗ trợ đó là chưa thành công”- bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh.

Để không còn là cảm xúc nhất thời

Từ sự biến chuyển của từ thiện phát triển trong đại dịch Covid-19 có thể thấy, dòng chảy của các hoạt động nhân đạo và từ thiện phát triển đang mạnh mẽ cuộn trào, làm thay đổi các quan niệm, các cách tiếp cận và phương pháp từ thiện. Từ thiện cá nhân không chỉ còn là việc “cho đi” từ cảm xúc cảm động nhất thời, Covid-19 đã kích hoạt trách nhiệm của cộng đồng và sự đoàn kết, sự an toàn hay sự phát triển của mỗi cá nhân gắn chặt với sự an toàn của cả cộng đồng.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh, “chúng ta đừng coi từ thiện phát triển là cuộc chơi của doanh nghiệp lớn, đợi lớn mới thực hiện, mà hãy thực hiện từ thiện phát triển để lớn”. Đại dịch Covid-19 và các thiên tai địch họa xảy ra trong năm 2020 chính là lúc các cá nhân và tổ chức xã hội cần nhìn nhận lại công việc từ thiện phát triển để đáp ứng những nhu cầu biến đổi của cộng đồng; chuyển mình từ tự phát sang nhu cầu tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả, minh bạch, có trách nhiệm giải trình và là sự chung sức đồng lòng của nhiều bên liên quan, không thể là hoạt động độc quyền".

Năm 2020, trong bối cảnh Covid-19, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững đã thực hiện Dự án “Vì một Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau trong Covid-19”. Dự án định hình việc hỗ trợ khẩn cấp về lương thực thực phẩm và vệ sinh cho hơn 500 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị lề hóa tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Không chỉ là dự án từ thiện nhân đạo, dự án kết nối sự tham gia đông đảo của các bên liên quan, dự án hướng tới truyền cảm hứng, xây dựng văn hóa từ thiện phát triển.

Đồng tình với ý kiến trên, Giám đốc hoạt động Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng Việt Nam Nguyễn Hoàng Anh cũng cho rằng, với xu thế phát triển của xã hội, hệ thống hỗ trợ, cứu trợ của chúng ta cũng cần thay đổi để bắt kịp, phù hợp với xu thế thời đại. Bởi, nhìn vào thực tế cho thấy, chúng ta mới chỉ chăm chăm nghĩ đến từ thiện, cứu trợ tức thời khi sự cố đến, chưa nghĩ đến việc cần làm lâu dài đó là đào tạo kỹ năng, trao cái “cần câu”, cái phao để mọi người tự câu cá, tự bơi mỗi khi gặp sự cố thay vì chờ người khác đến cứu. Do đó khi rủi ro đến thì người dân không biết xử lý như thế nào vì thiếu kỹ năng ứng phó (trận lũ lịch sử ở miền Trung đã và đang xảy ra là một ví dụ).

Từ những góc độ trên, có thể thấy về lâu dài cần có định hướng thúc đẩy loại hình từ thiện phát triển mang tính chiến lược, dài hạn, ví như quỹ từ thiện của Bill Gates với các hoạt động thiện nguyện ở các nước đang phát triển như hỗ trợ về vệ sinh, nâng cao chất lượng sống, nghiên cứu vaccine giá rẻ cho người nghèo...

Tất nhiên, để làm được điều này, Nhà nước phải có cơ chế bảo vệ lòng tin, quyền lợi của những người bình thường đóng góp nhỏ cho các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp bằng việc có luật cho các tổ chức này hoạt động tốt. Khi đó, người dân không chỉ đóng góp những khoản trực tiếp theo kiểu mua sách vở, đồ ăn cho những trường hợp cứu trợ khẩn cấp, mà sẽ đóng góp thông qua tổ chức phi lợi nhuận để giải quyết những vấn đề dài hạn như biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội.

Bài và ảnh: Bảo Hân Chú thích ảnh: