Hợp tác xã - hạt nhân phát triển kinh tế nông nghiệp

- Thứ Sáu, 24/12/2021, 06:18 - Chia sẻ
Chuyển đổi từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu, từ sản xuất theo số lượng sang chú trọng chất lượng... là quá trình đổi mới từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Đây là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Trong tiến trình chuyển đổi ấy, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chính là hạt nhân, động lực của sự phát triển.
Mô hình trồng dưa lưới tại hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội
Nguồn: ITN

Hơn 3.000 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị nông sản

Thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có hơn 17.000 HTX nông nghiệp, trong đó có hơn 3.000 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị nông sản, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường thông tin, khu vực kinh tế tập thể nông thôn, HTX nông nghiệp đóng góp trực tiếp khoảng 3% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP), gia tăng thu nhập cho các hộ thành viên, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, kinh tế tập thể, HTX đang là hạt nhân quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, toàn thành phố hiện có gần 1.300 HTX nông nghiệp, trong đó có 50 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 78 HTX tham gia liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; 60 HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, hữu cơ... Đây thực sự là những hạt nhân thúc đẩy kinh tế nông nghiệp Thủ đô phát triển trong thời gian qua.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2020, Việt Nam có thêm 1.055 doanh nghiệp nông nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lên 13.280. Cùng với hệ thống HTX, các doanh nghiệp là nguồn lực, động lực và là hạt nhân trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế, là thành phần không thể tách rời trong chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.

Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho hay, đầu tháng 7 vừa qua, dù dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng đúng vào thời điểm tiêu thụ vải thiều nhưng ngành nông nghiệp của tỉnh đã tạo được bước đột phá lớn, đem lại thu nhập cao cho nông dân nhờ hoạt động hiệu quả của các HTX trên địa bàn. Cụ thể, ngoài các thị trường truyền thống, vụ thu hoạch năm nay, vải thiều Bắc Giang đã được các HTX tích cực quảng bá tại nhiều sàn thương mại điện tử uy tín và xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Đức...

Hỗ trợ HTX bắt kịp xu thế phát triển mới

Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã có cơ chế vận động người dân góp đất cho HTX, doanh nghiệp để cùng liên kết sản xuất, tạo ra những mô hình giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, để hạn chế đặc thù quỹ đất hạn hẹp, thời gian tới, thành phố chú trọng thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo thông tin, Liên minh HTX Việt Nam sẽ chú trọng mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ các hợp tác xã bắt kịp với xu thế phát triển mới.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định, “chúng ta mới chỉ chú trọng tới những nhà đầu tư lớn, còn thiếu mặn mà với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thậm chí còn hiện tượng xem nhẹ việc phát triển hợp tác xã. Bộ NN-PTNT sẽ sớm khắc phục nhược điểm này trong điều hành”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin thêm, để các doanh nghiệp, HTX phát huy vai trò hạt nhân, tạo đột phá mới, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu Chính phủ hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Đồng thời phối hợp với các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, HTX hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tăng cường nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, đặc biệt là tín dụng ưu đãi cho vay theo chuỗi giá trị nông sản; bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. 

Tâm Anh