Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.
Tham dự cuộc họp báo có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Văn bản Pháp luật và Thông tin tuyên truyền của Hội đồng Bầu cử quốc gia Hoàng Thanh Tùng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng Tiểu ban An ninh, trật tự và Y tế Nguyễn Minh Đức...
Cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị bầu cử
Thông tin với báo chí, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, quá trình chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay đã cơ bản hoàn tất. Các địa phương, cơ sở đã sẵn sàng cao cho ngày bầu cử. Một số địa phương bầu cử sớm đã hoàn thành, bảo đảm an toàn, đúng quy định pháp luật. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, công tác chuẩn bị bầu cử đã bám sát kế hoạch, đúng quy định của pháp luật và nghị quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở đã rất sát sao, phối hợp chặt chẽ, thể hiện quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép vừa nghiêm túc phòng chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Kết quả này, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia là do sự lãnh đạo chặt chẽ, toàn diện và kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy Đảng trong từng bước triển khai, chuẩn bị bầu cử. Cùng với đó là sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, kiểm tra, giám sát thường xuyên, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và cử tri cả nước; chính quyền và các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực quán triệt các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên để kịp thời chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị bầu cử chu đáo; bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn, y tế; chuẩn bị các cơ sở, vật chất kỹ thuật thuận lợi cho cuộc bầu cử...
Để bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử lần này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức và vận hành Trung tâm Báo chí bầu cử tại tầng B1, Nhà Quốc hội. Trung tâm Báo chí bầu cử mở cửa từ 8 giờ đến 18 giờ 30 từ ngày 21-24.5, riêng ngày bầu cử 23.5 sẽ đóng cửa muộn theo tình hình thực tế diễn tiến bầu cử.
Trung tâm Báo chí bầu cử sẽ cung cấp thông tin để các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin kịp thời, chính xác về cuộc bầu cử tới đông đảo cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế; tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến công tác bầu cử. Trong ngày bầu cử 23.5, tại Trung tâm báo chí bầu cử, lãnh đạo Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ tham gia trả lời, cung cấp thông tin cập nhật về hoạt động bầu cử trong cả nước cho phóng viên.
Cho phép 2 ứng cử viên đại biểu Quốc hội rút tên theo đúng quy định pháp luật
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về lý do Hội đồng Bầu cử quốc gia cho phép rút tên 2 ứng cử viên đại biểu Quốc hội ra khỏi danh sách ứng cử viên chính thức, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự Nguyễn Thị Thanh cho biết, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã xem xét thận trọng các thông tin liên quan và quyết định đúng theo quy định của pháp luật. Trong đó, với ứng cử viên Nguyễn Thế Anh, ứng cử viên đại biểu Quốc hội của tỉnh Kiên Giang, Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét việc rút tên khỏi danh sách dựa trên đơn xin rút của ứng cử viên này, cũng như đề nghị của Ủy ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang với lý do sức khỏe. “Ở thời điểm đó chưa có quyết định có tính chất pháp lý nào để Hội đồng Bầu cử quốc gia có căn cứ pháp luật thực hiện việc xóa tên ông Nguyễn Thế Anh ra khỏi danh sách chính thức", bà Nguyễn Thị Thanh nêu rõ.
Hội đồng Bầu cử quốc gia căn cứ nhiều quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Bộ luật Hình sự, các bộ luật, luật có liên quan để cân nhắc, quyết định việc xóa tên ứng cử viên khỏi danh sách chính thức phù hợp với điều kiện cụ thể. Khẳng định nguyên tắc này, Phó trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự cũng lưu ý, việc đánh giá, kết luận cá nhân vi phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, cũng như các luật liên quan. Bà Nguyễn Thị Thanh cũng cho biết, công tác nhân sự sẽ còn được Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét cho đến khi trình Quốc hội công nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với người trúng cử. Kể cả đại biểu đã trúng cử, đã được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội nhưng trong quá trình hoạt động nếu có vi phạm, không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội thì Quốc hội cũng sẽ xem xét bãi nhiệm. Như vậy, công tác nhân sự bảo đảm khách quan, minh bạch và chặt chẽ.
Để tránh hiện tượng bầu hộ, bầu thay trong ngày bầu cử, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục là "cánh tay nối dài" của Hội đồng Bầu cử quốc gia và các tổ chức bầu cử đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử để giúp người dân hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình từ đó tích cực tham gia bầu cử. Trong đó, cần chú ý tuyên truyền để cử tri hiểu rõ việc bầu hộ, bầu thay là vi phạm nguyên tắc trực tiếp, bình đẳng và phổ thông của bầu cử, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Với một số địa phương có tình trạng bầu hộ, bầu thay được tổng kết ở các cuộc bầu cử trước, bà Nguyễn Thị Thanh lưu ý, cùng với công tác tuyên truyền, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên để vận động, tuyên truyền, theo dõi diễn biến cử tri đi bầu cử, kịp thời nhắc nhở các hộ gia đình, cử tri chưa đi bầu cử.