Họp bàn phương án đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô

- Thứ Ba, 20/07/2021, 10:43 - Chia sẻ
Chiều 19.7, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên nhằm thống nhất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 29.7.2011 có chiều dài 98 km đi qua 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng phát biểu tại điểm cầu Bắc Ninh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng phát biểu tại điểm cầu Bắc Ninh
Nguồn: Bacninh.gov.vn

Đơn vị tư vấn thiết kế trình 6 phương án đầu tư với tổng mức đầu tư từ 57.000 tỷ đồng đến 154.000 tỷ đồng (cả tuyến đi thấp, tuyến đi cao và GPMB hoàn chỉnh); đề xuất chọn phương án đầu tư số 6 (đi cao phần qua địa phận Hà Nội, đi thấp đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh; GPMB hoàn chỉnh) có tổng mức đầu tư hơn 87.766 tỷ đồng.

Tuyến đường vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bắc Ninh (được điều chỉnh hướng tuyến theo Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 17.10.2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn 2050) có chiều dài khoảng 21,2 km đi qua các xã: Nguyệt Đức, Ninh Xá, Mão Điền, Hoài Thượng (huyện Thuận Thành); Chi Lăng, Yên Giả, Phượng Mao (huyện Quế Võ); phường Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh) quy mô 6 - 8 làn xe với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.300 tỷ đồng (trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 4.000 tỷ đồng), cơ bản phù hợp với Quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác của địa phương. Tỉnh Bắc Ninh đã dành quỹ đất, cơ bản là đất nông nghiệp khoảng hơn 270ha để đầu tư xây dựng tuyến đường.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận các vấn đề liên quan đến hướng tuyến, phân kỳ đầu tư, phương án vốn xây dựng; cơ chế, chính sách trong việc huy động vốn, kêu gọi đầu tư (đối với phần đầu tư theo hình thức PPP).

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng bày tỏ sự đồng thuận cao với việc triển khai dự án tuyến đường vành đai 4. UBND tỉnh Bắc Ninh nhận thấy phương án 6 có tính khả thi cao, có thể triển khai được trong thực tế. Tỉnh Bắc Ninh đề nghị nghiên cứu triển khai phương án tuyến khép kín với đoạn cuối tuyến tại địa phận Bắc Ninh do có khu công nghiệp, mật độ giao thông cao; triển khai phương án giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án; đơn vị tư vấn thiết kế làm việc cụ thể với tỉnh Bắc Ninh nghiên cứu hoàn chỉnh các nút giao với các tuyến Quốc lộ, Đường tỉnh hiện có; nâng cấp, cải tạo QL18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc. UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải, cơ quan tư vấn nghiên cứu đề xuất các phương án triển khai dự án (phương án tuyến, phương án giải phóng mặt bằng) bảo đảm tính khả thi...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng giao Sở Giao thông vận tải làm cơ quan đầu mối tổng hợp các số liệu, tài liệu về quy mô, hướng tuyến, xác định điểm cuối tại địa phận tỉnh Bắc Ninh. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu và cho ý kiến về thủ tục, cơ cấu nguồn vốn, quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất tích hợp với quy hoạch vùng tỉnh, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét, quyết định phương án triển khai dự án.

Thảo Anh