Tham dự hội nghị quốc tế lần này có hơn 100 học giả, chuyên gia và học viên chương trình đến từ hơn 20 quốc gia trong mạng lưới In4ln (in4in.net), với mục tiêu chung là phát triển mạng lưới doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trường Đại học Việt Đức đã tham gia mạng lưới phát triển năng lực đổi mới sáng tạo cho SMEs trong hơn 5 năm khi kết hợp cùng với trường Đại học Leipzig, với nhiệm vụ phát triển khả năng quản lý doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo cho các SME và start-up Việt Nam. Thông qua chương trình này, VGU và Đại học Leipzig mong muốn truyền tải tinh thần “Misttelstand – Innovative” từ các SME Đức đến với SME Việt Nam. Với những sáng kiến và năng lực của các học viên đã và sẽ tốt nghiệp từ chương trình này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Thực tế nhận thấy lâu nay thì SME Đức đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững và lâu dài đối với nền kinh tế của nước Đức, và các SME Việt Nam cũng đang có vai trò tương tự như vậy. Thậm chí, thu nhập bình quân đầu người (GDP) của mỗi một quốc gia cũng phụ thuộc khá nhiều vào sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những chủ đề quan trọng của hầu hết các chương trình đang được nhắc đến tại thị trường Việt Nam hiện nay. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra thông điệp quan trọng rằng Việt Nam quyết tâm cải cách toàn diện, tái cấu trúc nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo và đổi mới. Và VGU đã hiện thực hóa thông điệp này thông qua chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo của chính VGU.
Sau 5 năm vận hành, chương trình đã thu hút được hơn 1.000 đối tượng tham gia, bao gồm chương trình thạc sỹ, khóa học ngắn hạn, các chương trình về khởi nghiệp và đặc biệt là cuộc thi thường niên “Best Innovators Award 2017”. Đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ thiết yếu và chủ đề chuyển dịch sang số hóa (digital transformation) là vấn đề mà xã hội ngày càng quan tâm. Do đó hỗ trợ xây dựng và phát triển năng lực số hóa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của VGU khi đóng vai trò là một trong nhân tố quan trọng thúc đầy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Hội nghị gồm hai sự kiện lớn, đó là hội nghị quốc tế và triển lãm của những nhà khởi nghiệp trong mạng lưới các công ty lớn tại Việt Nam và vòng chung kết cuộc thi “Best Innovators Award”. Đây là cuộc thi thường niên, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012 cho đến nay và được xem là cuộc thi nhằm tôn vinh những sản phẩm/ dịch vụ/ giải pháp sáng tạo dành cho các bạn trẻ Việt Nam đến từ các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau tham dự.
Trong năm 2017, đã có 80 đội dự thi vòng đầu tiên, trong đó đã có 5 đội được chọn vào vòng chung kết (Nấm Tươi Cười, IQWINWIN, JOBO, ATOVI Smart LOCK, TESSE.IO). Các tiêu chí chính lựa chọn đội thắng cuộc là dựa trên tính khả thi khi áp dụng vào thực tế thị trường, mô hình kinh doanh sáng tạo, sản phẩm, dịch vụ phải thể hiện tính sáng tạo và đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững khi ứng dụng trong thực tế.
Kết quả chung cuộc, giải nhất thuộc về nền tảng tri thức TESSE.IO. Giải 2 thuộc về Nấm tươi cười, các sản phẩm từ nấm để bảo vệ sức khỏe, 3 giải III đồng hạng là khóa thông minh ATOVI, nền tảng thông minh nhân tạo IQWINWIN và nền tảng tuyển dụng JOBO dành cho lĩnh vực nhà hàng khách sạn. Ban Giám khảo đánh giá rất cao những bài dự thi của năm nay; đặc biệt là tính tiếp cận với số hóa và biết áp dụng dữ liệu lớn và blockchain và việc phát triển và đổi mới sáng tạo sản phẩm/dịch vụ.