Hội thảo quốc tế cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

- Thứ Năm, 20/01/2022, 18:00 - Chia sẻ
Chiều 20.1, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã tổ chức Hội thảo quốc tế cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Hội thảo

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; Phó Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam Marcus Winsley đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, các công nghệ mới đang phát triển nhanh chóng và được ứng dụng ngày càng sâu rộng trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Dưới góc độ pháp lý việc ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ mới có tác động đến các yếu tố không gian, thời gian, chủ thể, các mối quan hệ, nội dung về pháp luật. Vướng mắc, rào cản trong chính sách pháp luật hiện hành là thường có độ trễ nhất định so với thực tiễn khi ứng dụng công nghệ mới, triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Các nhà hoạch định chính sách đã nhận ra vướng mắc này và có cách ứng xử khác nhau. Trong đó, đa số nhà hoạch định chính sách lựa chọn mô hình thử nghiệm học hỏi và tạo điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước để cơ quan quản lý nhà nước từng bước nhận diện ra những cách thức quản lý chưa được dự liệu, vì đây là mô hình hết sức mới mẻ, từ trước đến giờ chưa hề có, từ đó tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý trong bối cảnh mới. Và một trong những mô hình đó là thử nghiệm có kiểm soát - chủ đề của Hội thảo quốc tế lần này.

Ở nước ta, Nghị quyết số 52 - NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đều đặt ra nhiệm vụ: Nghiên cứu xây dựng ban hành cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để khuyến khích phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.

Toàn cảnh Hội thảo

Trên thực tế một số công nghệ, sản phẩm, mô hình kinh doanh đã hiện hữu trong đời sống. Một số bộ, ngành đã tham mưu, xây dựng ban hành một số pháp luật, như Quyết định số 24/QĐ - BGTVT ngày 7.1.2016 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng; Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đây đều là những cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Từ thử nghiệm mới quyết định ứng xử như thế nào, phạm vi điều chỉnh đến đâu, bởi lẽ cái mới không thể lường hết rủi ro, mặt trái, tránh sự đổ vỡ.

Trên thế giới cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đã được thực hiện ở nhiều quốc gia. Năm 2015, Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên nghiên cứu, xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực tài chính. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy mong muốn, thông qua Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế cùng chia sẻ kinh nghiệm, đi đến nhận thức tương đối thống nhất, đầy đủ và mang tính hệ thống về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, cách tiếp cận xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát ở nước ta.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe trao đổi kinh nghiệm của Vương quốc Anh về thí điểm thể chế trong lĩnh vực công nghệ tài chính và nuôi dưỡng hệ sinh thái công nghệ tài chính ở nước Anh cũng như kinh nghiệm ứng dụng đổi mới trong lĩnh vực hành chính nhà nước trong kỷ nguyên số; những bài học thực tiễn của quá trình soạn thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, trao đổi kinh nghiệm của một số doanh nghiệp và ngân hàng tại Việt Nam trong việc triển khai các dịch vụ công nghệ mới: Techcombank, Zalo, Viettel…

Hoàng Ngọc