Tham dự có: đại diện Bộ Tư pháp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học...
Các đại biểu dự Hội thảo nêu rõ, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 9 về việc cấm người tham gia đấu giá nhận ủy quyền để trả giá cho người tham gia đấu giá khác đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó; nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá để trả giá cho từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó, nhằm hạn chế tình trạng thông đồng trong đấu giá tài sản.
Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu giá tài sản, như: quy định về Cổng đấu giá tài sản quốc gia và việc tăng cường trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong xây dựng, quản lý, vận hành Cổng đấu giá tài sản quốc gia; tăng cường bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá bằng hình thức trực tuyến; thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá; thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; thông báo đấu giá tài sản; thông báo thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá trước khi hết hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá và tiền đặt trước trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia...
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về việc đấu giá trực tuyến trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để bảo đảm tính khả thi. Trong đó, chú ý việc xây dựng, quản lý, vận hành, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.
Phát biểu kết luận, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, khoa học của các đại biểu, chuyên gia. Khẳng định chủ đề của Hội thảo là rất cần thiết, Viện trưởng nhấn mạnh, đóng góp của các chuyên gia sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ làm nguồn tham khảo để Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội xem xét trong quá trình sửa đổi Luật.