Báo cáo về tình hình đầu tư cho y tế và vay vốn để xây dựng một số bệnh viện công của Bộ Y tế cho thấy, cùng với sự phát triển KT - XH, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng và đa dạng, khoa học kỹ thuật về y tế phát triển mạnh, đòi hỏi nhu cầu đầu tư cho y tế ngày càng lớn. Ước tính nhu cầu đầu tư tối thiểu cho hệ thống y tế công lập từ 25.000 - 26.000 tỷ đồng/năm, nhưng do ngân sách có hạn nên tổng đầu tư cho hệ thống y tế công lập chỉ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.
Phần lớn các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, chủ trương cho một số bệnh viện vay vốn để đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện là đúng đắn, phù hợp và có hiệu quả, góp phần giảm tải, nâng cao chất lượng điều trị, điều kiện sinh hoạt cho người bệnh; đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của các đơn vị trong việc huy động vốn để đầu tư xây dựng bệnh viện, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn, không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Qua đó, chú trọng hơn đến hiệu quả đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn; thúc đẩy kỹ thuật của bệnh viện, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng có khả năng chi trả, hạn chế người bệnh phải đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài. Tuy nhiên, do thời gian ân hạn ngắn, chỉ có 2 năm, trong khi việc xây dựng bệnh viện thường kéo dài dẫn đến việc bệnh viện phải dùng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp và thu từ các dịch vụ khác để trả nợ. Mặt khác, giá dịch vụ y tế do chưa có khấu hao nên thời gian trả nợ 12 năm là quá ngắn, khả năng trả nợ của các bệnh viên là rất khó, trong khi lãi suất hợp đồng vay còn cao, mức lãi suất đối với y tế và doanh nghiệp ngang nhau…
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra một số đề xuất như cần phải có chính sách đặc thù cho các chương trình an sinh xã hội; đề nghị ngân hàng phát triển tiếp tục cho các bệnh viện vay vốn và ưu tiên vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng các công trình đang xây dựng; đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế sớm xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể loại hình, tiêu chí, thẩm quyền quyết định đơn vị được sử dụng ngân sách chi đầu tư phát triển để trả nợ gốc vay, hướng dẫn việc kết cấu vào giá dịch vụ để trả nợ gốc vay và lãi…