Hội làng, sử nước

- Chủ Nhật, 21/03/2021, 06:24 - Chia sẻ
Hòa hiếu trong thôn làng, hòa hiếu cùng cả một vùng cư dân rộng lớn, phải chăng, đó chính là cội gốc vững bền của tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh cộng đồng...

Sau những làn mưa bụi thấp thoáng như có như không, đất trời xứ Bắc dường như trở nên quá đỗi dịu dàng, nồng ấm.

Bên trong những lối ngõ nhỏ và đằng sau cánh cổng những ngôi nhà cổ ở làng Phùng Khoang, không gian thơm ngát mùi hương hoa tháng hai. Những vòm hoa bưởi điểm màu trắng chen xanh. Những vòm hoa nhãn điểm màu xanh chen vàng như đang khoác trên mình tấm áo choàng mỏng tang màu sương sớm.

Nguồn: ITN

Ấy chính là lúc ngôi làng cổ đang nao nức đón chờ kỳ hội làng truyền thống của vùng đất Kẻ Mọc vang danh kim cổ.

Sử sách kể rằng con đường đi qua làng Phùng Khoang chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội Việt Nam thời ấy. Bởi nó là con đường lai kinh, là đầu mối thông thương buôn bán và giao lưu văn hóa giữa các vùng miền khác nhau tụ hội về kinh thành Thăng Long văn vật và trù phú. Phùng Khoang xưa có tên là Phùng Quang, vốn là một trong 5 làng thôn thuộc xã Nhân Mục Môn nằm bên cạnh xã Nhân Mục Cựu đều mang tên nôm là đất Kẻ Mọc. Trải qua bao biến thiên của lịch sử và qua ba bốn lần phân định lại địa giới, Phùng Khoang nay thuộc xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Trong khi đó, bốn thôn làng bạn là Giáp Nhất, Quan Nhân, Cự Lộc và Chính Kinh lại thuộc về phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Mặc dù vậy, cả 5 làng quê vẫn không bao giờ lãng quên truyền thống giao hiếu kết chạ thân thiết từ bao đời của các thế hệ cha ông vùng đất Nhân Mục Môn nổi tiếng giàu đẹp không dễ nơi đâu sánh kịp.

Phương ngôn cổ vùng sông Tô có câu: "Lắm quan làng Mọc, lắm thóc làng Khoang".  

Di tích văn hóa lịch sử quan trọng hàng đầu của làng Phùng Khoang chính là ngôi đình làng.

Đình Phùng Khoang là một di tích văn hóa lịch sử được tạo dựng từ lâu đời, nằm ngay ở vị trí trung tâm trù mật nhất của làng quê. Đây là chốn phụng thờ đức Đoàn Thượng tướng quân, một vị danh tướng trung thần triều nhà Lý cuối thế kỷ XII. Ngài đã có công phò tá Thái Úy Lý Thường Kiệt đánh thắng giặc Tống phương Bắc và suốt đời tận trung với vương triều nhà Lý, kể cả trong những thời khắc triều Lý lâm vào cảnh khốn đốn suy sụp trước sự trỗi dậy nắm quyền cai trị đất nước của nhà Trần. Ngài hóa năm 1226, trong cơn binh biến đổi thay vương triều Lý sang Trần. Sau đó, ngài  đã được chính triều đình nhà Trần tôn vinh và 72 làng quê trên đất nước phụng thờ là thành hoàng, trong đó có làng Phùng Khoang nơi đây. Đích thân thái sư Trần Thủ Độ đã tôn vinh Đoàn Thượng Tướng quân là Đông Hải Đại Vương. 

Tương truyền rằng vùng đất Phùng Khoang này từng là bãi chiến trường mà từ đó tướng quân Đoàn Thượng lập nên những chiến công oanh liệt. Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm từng dâng đôi câu đối: "Thập bát dư chiến hùng uy/ Bắc Cảnh Đông Dương thiên cổ/ Thất Thập nhị từ hiển thánh/ Trần tiền Lý hậu nhất nhân”". Tạm dịch là: "Mười tám trận thư hùng phía Bắc, phía Đông đều vững chãi/ Hậu Lý Tiền Trần nổi danh 72 làng thôn thờ phụng”. Các triều vua về sau khi luận thưởng đều nêu gương Đoàn Thượng tướng quân là bậc trung thần tiết tháo và ban tiền bạc xây cất trùng tu đền miếu thờ phụng, sắc phong Người làm Thành Hoàng Đoàn Thượng Đông Hải Đại Vương kiên nghĩa, kiên trung phủ chính Anh Liên Kiệt, thượng đẳng công thần, uy danh lẫy lừng thiên hạ. Thật đúng là: “Sinh vi tướng, tử vi thần”. Trải bao tháng năm, khói hương không dứt.  

Trong đình Phùng Khoang hiện còn tổng cộng 9 đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn. Cùng với đó là nhiều đồ thờ tự quý giá. Những chi tiết trang trí trong toà nội đình mang đậm dấu ấn mỹ thuật thời Hậu Lê. Bao năm qua, cùng với chùa Phùng Khoang, và nhà thờ Phùng Khoang, ngôi đình Phùng Khoang đã trở thành một chốn tụ hội tâm linh của các thế hệ người dân nơi đây, trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần thiêng liêng của làng quê. Nhất là trong mỗi dịp hội làng mùa xuân năm mới.

Đã thành truyền thống, cứ 5 năm một lần, dân làng Phùng Khoang lại liên kết với 4 làng bạn: Mọc Chính Kinh, Mọc Quan Nhân, Mọc Cự Lộc, Mọc Giáp Nhất để tổ chức rước lễ long trọng, bày tỏ lòng thành kính với các vị Thành Hoàng làng và bày tỏ tình hòa hiếu giữa Nhân dân trong vùng.

Ngày 10, 11, 12 tháng Hai âm lịch hàng năm chính là kỳ hội truyền thống của vùng Kẻ Mọc được tổ chức 5 năm một lần tại một trong 5 ngôi làng cổ. Theo lệ tục từ xa xưa, đoàn rước kiệu của làng đăng cai sẽ lần lượt đi đón đủ bốn đoàn rước kiệu của các làng bạn, thể hiện tinh thần hiếu khách và hữu ái của bà con vùng Kẻ Mọc lâu đời. Kiệu bay, đó là những thời khắc cực kỳ thiêng liêng, thần diệu trong lễ hội. Những chiếc kiệu to lớn sơn son thếp vàng lộng lẫy trên bày bài vị, bát hương, hoa quả, đồ lễ với hàng chục người khiêng mà cứ tự động quay tròn xoay đủ hướng trên đường đi, có lúc như kéo bổng đoàn người lên cao, tạo nên một cảnh tượng thần kỳ tưởng như không có thực, vô cùng lôi cuốn. Tương truyền, đó chính là những thời khắc các đức thánh trở về hiển linh nơi dương thế để chứng kiến lòng ngưỡng mộ của nhân gian cũng như sự thành đạt của các thế hệ cháu con. 

Ca dao cổ vùng sông Tô Lịch có câu: 

"Làng Mọc mở hội tháng hai

 Rước hôm mười một mười hai rõ ràng

 Nhất vui là hội năm làng

 Để cho thiên hạ phố phường vào xem"

Các vị thành hoàng của 5 làng Kẻ Mọc đều là các vị danh tướng công thần của đất nước ta qua các thời kỳ sơ sử và lịch sử. Thành hoàng của làng Giáp Nhất chính là danh tướng Phùng Luông, vị tướng 20 năm trời ròng rã sát cánh bên đức Bố Cái đại vương Phùng Hưng giành lại nền độc lập cho đất nước từ quân đô hộ nhà Đường trong những năm cuối thế kỷ thứ VIII.

Thành hoàng chung của hai làng Cự Lộc và Chính Kinh là Lã đại Liêu, thời Hùng Vương. Ngài đã có công đánh giặc ngoại xâm phương Bắc, giữ yên cho bờ cõi giang sơn trong thời kỳ các vua Hùng còn đang dựng nước với biết bao gian khó chông chênh.

Thành hoàng của làng Quan Nhân là đức Hùng Lãng Công, là người thuộc dòng dõi các vua Hùng. Ngài đã có công đánh giặc Nam Chiếu từ phương Bắc sang xâm lược nước ta vào những năm thuộc thế kỷ thứ VIII. 

Riêng từ làng Quan Nhân, bên cạnh kiệu đức ông còn có kiệu đức bà. Tương truyền, đức bà phu nhân của Hùng Lãng Công trung nghĩa đại vương chính là người con gái làng Quan Nhân là Trương Mỵ Nương. Bà nổi tiếng xinh đẹp và tài đức, trung trinh tiết liệt, đã được các triều vua từ Đinh Lê Lý Trần, Hậu Lê đến triều Nguyễn đều sắc phong cùng đức ông là Tề my Quan Nhân vương Công chúa.

Theo lệ tục, đoàn rước kiệu của đức thánh Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng Tướng quân, thành hoàng của làng Phùng Khoang sẽ lần lượt nghênh rước chào mừng kiệu thánh của các làng bạn trong không khí đầy phấn khích, thăng hoa của đám hội. Hòa hiếu trong thôn làng, hòa hiếu cùng cả một vùng cư dân rộng lớn, phải chăng, đó chính là cội gốc vững bền của tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh cộng đồng. Đó cũng chính là tinh thần của lễ hội truyền thống 5 làng Kẻ Mọc...      

Tùy bút của Vũ Thị Tuyết Nhung