Hội họa là cuộc đời

- Thứ Năm, 24/12/2020, 21:31 - Chia sẻ
Nói về nghiệp tranh của mình, họa sĩ Lê Huy Tiếp tâm sự, ông vẽ như viết hồi ký, viết ra những suy nghĩ về tình yêu và cuộc đấu tranh của con người với thiên nhiên, mỗi quan hệ con người - vũ trụ, nỗi cô đơn... 70 tuổi với hơn 50 năm lao động nghệ thuật, ông càng thấm thía, hóa ra hội họa không cao xa, hội họa là cuộc đời.

50 năm sáng tạo nghệ thuật

Chiều 23.12, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã khai mạc triển lãm "50 năm nghệ thuật sơn dầu và tranh in của họa sĩ Lê Huy Tiếp". Đó là các sáng tác từ năm 1968 đến nay, với hơn 120 tác phẩm sơn dầu, acrylic, sơn mài, bút sắt, chì, than, màu nước và đồ họa tranh in như tranh khắc cao su, khắc kẽm, khắc đồng, in khô, in litho trên đá và bản kẽm, in lưới, in lõm... từ 12 bộ sưu tập bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân tại Việt Nam, Astralia và Mỹ. Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Văn Minh, chỉ nhìn vào con số và kỹ thuật sáng tạo ấy thôi, cũng đủ để thấy sự nghiệp phong phú, tài hoa đã làm nên tên tuổi họa sĩ Lê Huy Tiếp. 

Họa sĩ Lê Huy Tiếp (giữa) và công chúng mến mộ tranh của ông
Họa sĩ Lê Huy Tiếp (giữa) và công chúng mến mộ tranh của ông

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho biết: "Lê Huy Tiếp là người nhập cuộc táo bạo vào nền mỹ thuật Việt Nam. Ông thuộc thế hệ họa sĩ thứ nhất của đổi mới, và đã cùng các đồng nghiệp mở đầu câu chuyện đi trước đổi mới của mỹ thuật đương đại Việt Nam từ đầu những năm 1980".

Sống trong nền văn hóa Nga và tiếp xúc với bộ sưu tập ấn tượng của Bảo tàng Pushkin và Hermitage trong thời gian sống và học tập tại đây, Lê Huy Tiếp từng theo đuổi trường phái hậu ấn tượng, nhưng sau đó dần cuốn theo các đề tài về tội ác chiến tranh tại Việt Nam. Những bức họa lần lượt ra đời, thấm đầy hơi thở thời đại.

Công chúng bắt gặp ở Lê Huy Tiếp mối quan tâm và sự nhấn mạnh vào đời sống riêng tư, sự cô đơn và niềm hy vọng cá nhân lẻ loi. Ở đó, có nỗi trăn trở của họa sĩ trước nhiều ngả đường nghệ thuật. Khi xã hội bắt đầu mở cửa cho kinh tế tư nhân và đời sống cá nhân phát triển, ông đã có cái nhìn xa hơn tới mối quan hệ con người - thiên nhiên - vũ trụ, đến luân hồi sinh - tử và nỗi cô đơn của mỗi cá nhân, từng sinh thể. Hành trình sáng tạo ấy giúp ông nhận ra: Trong nghệ thuật, phong cách, đề tài, thể loại... tự nó sẽ đến khi nghệ sĩ trải lòng mình. 

Tranh sơn dầu "Kỷ vật 2", 2015
Tranh sơn dầu "Kỷ vật 2", 2015

Sự "trải lòng mình" ấy khiến nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn phải thốt lên, ông thấy vẻ đẹp hội họa của Lê Huy Tiếp ở nỗi buồn phảng phất và phong vị lãng mạn, trong những mảnh hoài niệm, những giấc mơ ban ngày, qua thủ pháp viễn cận cổ điển, những bố cục đa tầng trộn lẫn nhiều không gian hay những bối cảnh chân trời mờ sương.

Hay họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nhận định: "Ông lấy nền tảng là hiện thực đời sống, hướng tới cái đẹp lý tưởng. Thông qua những hình tượng có yếu tố tượng trưng, ông thể hiện triết lý sâu sắc về đời sống con người mang tầm nhân loại. Ngôn ngữ nghệ thuật của ông là sự tổng hòa giữa mỹ cảm lãng mạn phương Đông và duy lý phương Tây".

Ngẫm và cống hiến

Dõi theo các tác phẩm được triển lãm có thể thấy rằng trong 50 năm làm nghệ thuật, họa sĩ Lê Huy Tiếp luôn thay đổi tư duy sáng tạo và ngôn ngữ tạo hình. Họa sĩ Trần Huy Oánh cho rằng, sự đổi thay ấy minh chứng cho tinh thần sáng tạo không giới hạn, luôn bám chắc vào sợi dây thời đại để phản ánh thời đại.

Có thể kể đến những tranh vẽ "Phố Khâm Thiên sau bom Mỹ" (1972), "Hòa bình" (1986), "Trời và đất"(2003), "Gió tháng 7" (2019)... Đó là những tác phẩm tranh in như bộ tranh "Chiến tranh Việt Nam" (1971 - 1973), "Mùa xuân" (1985), "Mực khô và những đồng tiền" (2005), "Nhạc chiều" (2012)... "Thành công của Lê Huy Tiếp là anh đã ngẫm rất nhiều để vẽ, và khi vẽ ra rồi lại buộc khán giả phải ngẫm rất nhiều để xem", họa sĩ Trần Huy Oánh nói. 

"Ngẫm" ở đây không chỉ với những đề tài lớn, như về chiến tranh, hòa bình, về đổi mới... mà Lê Huy Tiếp còn "ngẫm" về chính những điều nhỏ bé, bình dị, đời thường, như chiếc gối, mũ cối, ngôi nhà đơn sơ, cánh bướm, cành dương xỉ... Như ông chia sẻ: "Từng tác phẩm, khi họa sĩ vẽ bằng sự trải lòng, bằng những suy ngẫm về cuộc sống thì sẽ mang đến sự khác biệt, mang đến câu chuyện cho người xem".

Thưởng lãm các tác phẩm trong hành trình 50 năm sáng tạo của họa sĩ Lê Huy Tiếp
Các tác phẩm trong hành trình 50 năm sáng tạo của họa sĩ Lê Huy Tiếp

Có lần bố hỏi về ước mơ, Lê Huy Tiếp nói muốn làm họa sĩ. Nhắc lại kỷ niệm thuở nhỏ vào đúng vào dịp triển lãm chính thức đầu tiên của mình, họa sĩ Lê Huy Tiếp xúc động nhớ về lời khuyên của bố khi ấy. Bố ông nói rằng không cần học nhiều, cao siêu, cứ thích thì sẽ làm được. Ông học xong chương trình văn hóa phổ thông như đã hứa với bố, rồi cứ thế nuôi dưỡng, giữ cảm hứng sáng tạo để đi tiếp con đường hội họa. Chính điều ấy giúp ông nghiệm ra, nghệ thuật cần nhiều kỹ năng, nhưng cần hơn là sự tinh tế, trung thực trong cảm xúc. 

"Là họa sĩ, cũng nhiều năm giảng dạy mỹ thuật trong nhà trường, tôi nhận thấy điều quan trọng nhất của người làm nghệ thuật, làm hội họa không phải nhận được sự tán dương, mà là làm sao tác phẩm đi thẳng vào lòng người. Muốn vậy, nghệ sĩ hãy cứ cần mẫn sáng tạo với sự tinh tế, trung thực với cảm xúc của chính mình. Những cái đó không ai dạy ta được".

Họa sĩ Lê Huy Tiếp sinh năm 1950 tại Nghệ An. Ông có nhiều năm giảng dạy tại Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm "50 năm nghệ thuật sơn dầu và tranh in" diễn ra từ ngày 23 - 30.12.

 

Thái Minh