Tên trang: Kinh nghiệm của Mỹ trong bảo vệ môi trường nước

Hồi chuông từ một dòng sông cháy

- Chủ Nhật, 08/11/2020, 07:50 - Chia sẻ
Là một cường quốc số một thế giới, nhưng trong quá khứ nước Mỹ đã từng trải qua những giai đoạn mà ô nhiễm nguồn nước ở mức độ nghiêm trọng, đỉnh điểm là vụ một con sông bốc cháy vì ô nhiễm dầu. Nhưng với một quá trình lâu dài, quyết liệt cùng những chính sách phù hợp, đặc biệt là sự ra đời của Luật Nước sạch, màu xanh những con sông trên nước Mỹ đã được cải thiện.

Dòng sông nhiễm dầu

Với gần 3 triệu dân, thành phố lớn Cleveland và vùng phụ cận là đại đô thị lớn nhất Ohio nằm trên bờ hồ Erie và hai bờ sông Cuyahoga. Khởi đầu Cleveland phát triển mạnh nhờ công nghiệp luyện thép, hóa chất và cơ khí vì nằm ở giữa vùng sản xuất than đá phía Đông và các mỏ sắt từ phía Bắc Minnesota đem xuống. Nhà tỷ phú Rockefeller nhận thấy địa thế thuận lợi của Cleveland nên ông đã đầu tư xây nhiều nhà máy lọc dầu chế biến dầu thô nhập từ Nam Mỹ và Texas, gây dựng nên công nghiệp hóa chất và phân bón hóa học lớn nhất nước Mỹ, cung cấp cho nhu cầu to lớn của nông nghiệp Trung Tây đang trở thành vựa lúa của cả thế giới. Chính nhờ sự cơ giới hóa và hóa học hóa cao độ nên năng suất của nông nghiệp vùng Trung Tây được coi là cao nhất thế giới khiến hiện nay, một người nông dân Mỹ có khả năng sản xuất đủ lương thực nuôi 100 người và còn dư thừa để xuất khẩu.

Dòng sông Cuyahoga bốc cháy năm 1969
Dòng sông Cuyahoga bốc cháy năm 1969

Nhưng vì công nghiệp phát triển nhanh và mạnh nên các chất phế thải ở các nhà máy trên sông Cuyahoga đổ vào hồ Erie quá nhiều khiến hồ bị coi là ô nhiễm nhất nước Mỹ (người dân ở Ohio thường gọi là “Hồ chết”). Nước uống bị nhiễm độc và chính quyền tiểu bang phải tốn rất nhiều công sức mới phục hồi trở lại. Với chiều dài 160km và có lưu vực khoảng 2.100km2, bề mặt sông Cuyahoga luôn bị bao phủ bởi một lớp dầu nhờn màu nâu, ngoài ra còn có một lớp dầu đen nặng nổi thành váng trên mặt nước. Oxy hòa tan trong nước gần như bằng 0, hầu như không có bất cứ loài sinh vật nào tồn tại.

Vào một buổi trưa mùa hè năm 1969, những tia lửa từ một đoàn tàu đi qua đã bắn xuống sông Cuyahoga. Thay vì tiêu tan vào nước như mong đợi, các tia lửa đã làm bùng cháy các chất dầu ô nhiễm trôi nổi trên bề mặt nước. Ngọn lửa bùng lên dữ dội trên khắp mặt sông Cuyahoga. Đám cháy chỉ kéo dài 30 phút nhưng đã thiêu rụi mọi thứ trên mặt sông và các công trình hai bên bờ sông.

Và đây không phải là lần đầu tiên dòng sông này bị "bà hỏa" tấn công. Năm 1936, sông Cuyahoga từng bị cháy lần đầu tiên khi tia lửa của đèn hàn đốt cháy mảnh vụn và váng dầu nổi trên mặt sông. Trong những năm sau đó, dòng sông tiếp tục bị cháy thêm một số lần, tuy nhiên vụ cháy năm 1969 vẫn là lớn nhất, đồng thời biến Cuyahoga trở thành tâm điểm của vấn đề ô nhiễm trên khắp nước Mỹ.

Thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường

Mặc dù sự kiện cháy sông Cuyahoga chưa bao giờ được nhắc đến trên các kênh truyền hình cả nước nhưng ảnh hưởng của nó đối với toàn nước Mỹ rất lớn. Chính người đứng đầu Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (Environmental Protection Agency - EPA) khi đó là Carol Browner đã từng nói: “Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được bức ảnh ngọn lửa bùng lên dữ dội trên mặt nước ngay trong trung tâm thành phố Cleveland”. Thành viên Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (Natural Resources Defense Council) Drew Caputo cũng nói rằng: “Khi dòng sông mà cháy, chúng ta biết rằng mọi thứ đã trở nên thật tồi tệ không thể ngờ tới”.

Vụ cháy đã gây tác động lớn đến toàn bộ người dân và làm cho nước Mỹ phải thức tỉnh trước tai họa của nạn công nghiệp hóa quá mức sẽ đưa đến sự hủy diệt môi trường sống. Một phong trào viết thư đã được phát động và gửi tới Quốc hội yêu cầu phải có hành động để khắc phục tình trạng ô nhiễm của dòng sông cho dù trước đó ở Mỹ đã một số đạo luật liên quan như Luật Sông và Cảng biển (1899), Luật Kiểm soát ô nhiễm nước (1948), Luật về Kiểm soát ô nhiễm nước Liên bang (1965)… Ngoài ra, ở một số bang như California cũng ban hành Luật Nước sạch, tuy nhiên chỉ là trong phạm vi của một bang, không áp dụng cho toàn quốc.

Đám cháy năm 1969 cũng làm bùng nổ các hoạt động đo lường, giám sát chất lượng nước sông và các chương trình kiểm soát ô nhiễm nước trên toàn lưu vực sông. Tiếp thu ý kiến của người dân, Quốc hội Mỹ phải nhanh chóng ban hành Luật Nước sạch vào năm 1972 (là sửa đổi của Luật Kiểm soát ô nhiễm nước 1948). Các nhóm hoạt động môi trường, doanh nghiệp, nhà lập pháp và nhà công nghệ… với sự dẫn đầu của Thượng Nghị sĩ Edmund Muskie, người còn được biết đến với tên gọi “Mr. Clean” đã nỗ lực thúc đẩy thông qua luật này. Đạo luật là văn bản pháp lý được Chính phủ Mỹ ban hành tiếp sau Đạo Luật không khí sạch và Đạo Luật về chính sách môi trường quốc gia. Luật Nước sạch đã được sửa đổi và bổ sung 3 lần sau đó (năm 1977, 1987 và 2002).

Có thể nói, Luật Nước sạch đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống kiểm soát ô nhiễm nước của Mỹ. Thực tế đã chứng minh, nếu chỉ trong thế hệ trước, sông Cuyahoga đã bị ô nhiễm đến mức thường xuyên bị bốc cháy và không có sinh vật thủy sinh nào có thể sống sót trong vùng nước độc hại của này, thì nay sau hàng thập kỷ được lập kế hoạch cũng như đưa ra các quy định cẩn thận, dòng sông đã hồi sinh, đủ trong lành để tắm và câu cá. Cleveland nhờ sự lãnh đạo của thị trưởng Dennis Kucinich đã có một kế hoạch làm sống lại khu vực ô nhiễm, làm đẹp thành phố với các công viên, nơi nghỉ mát, trung tâm du lịch tại vùng bờ hồ Erie. Khu vực hai bên sông Cuyahoga trước đây nhơ bẩn và ô nhiễm được biến đổi lại thành một khu vực du lịch giải trí gọi là The Flats. Cả một khu vực rộng lớn xung quanh thành phố đã trở thành một chuỗi công viên với nhiều cây xanh to lớn giống như một chuỗi ngọc hòng đem lại danh hiệu trước đây của Cleveland là The Forest City. Nguyên cả một vùng rộng 33.000 dặm vuông chạy dài từ Akron tới Cleveland được thành một công viên to lớn dài 22 dặm gọi là Cuyahoga Valley National Recreation Area cho du khách tới thăm và tìm hiểu về phong cảnh Ohio trước khi bị công nghiệp làm thay đổi và hư hoại.

Cho tới nay, Luật Nước sạch vẫn tỏ ra vô cùng hiệu quả, giúp phục hồi, duy trì, bảo vệ nguồn nước, bảo đảm cung cấp nước cho nhu cầu của người dân và đem đến môi trường sống an toàn cho nhiều loài thủy sinh.

Đạt Quốc