Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Bạc Liêu

Bài cuối: Hầu hết kiến nghị được thực hiện

- Thứ Sáu, 02/10/2020, 08:29 - Chia sẻ
Trước khi đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh, Tổ Thư ký tổng hợp, xem xét những vấn đề nổi lên qua thực tiễn giám sát và qua nghiên cứu các báo cáo đơn vị xây dựng báo cáo sơ bộ gửi thành viên đoàn làm cơ sở trao đổi, yêu cầu UBND tỉnh giải trình làm rõ. Đặc biệt, dự thảo báo cáo kết quả giám sát trước khi ký ban hành chính thức được gửi đến các đối tượng chịu sự giám sát, tạo điều kiện giải trình, cung cấp thêm thông tin… Cùng với việc tăng cường giám sát, theo dõi, đôn đốc thực hiện, hầu hết các kiến nghị qua khảo sát, giám sát của HĐND, Thường trực, các ban của HĐND tỉnh Bạc Liêu đã được UBND tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện.

Thông tin phản hồi 2 chiều

Để hoạt động giám sát hiệu quả, yêu cầu Thường trực HĐND tỉnh Bạc Liêu đặt ra đối với các thành viên đoàn giám sát là phải nghiên cứu, nắm vững các quy định, những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát; tìm hiểu, thu thập tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung giám sát; thành viên đoàn giám sát phải đặt ra vấn đề cần làm rõ, những vấn đề còn băn khoăn, nhất là cần đi sâu vào những mặt làm tốt để phát huy và chỉ ra những hạn chế, tồn tại để khắc phục, những bất cập để kiến nghị, đề xuất tháo gỡ. Bộ phận tham mưu, giúp việc tổng hợp đầy đủ các thông tin, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung giám sát, báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát để gửi các thành viên nghiên cứu, phân tích, tổng hợp và rút ra những vấn đề cần được làm rõ trong quá trình giám sát trực tiếp.

Đoàn Giám sát HĐND tỉnh Bạc Liêu giám sát việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020

Tại các buổi làm việc trực tiếp, đoàn giám sát tập trung yêu cầu đối tượng chịu giám sát giải trình, làm rõ những vấn đề thành viên đoàn trao đổi qua khảo sát, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu mà báo cáo chưa thể hiện rõ. Điều quan trọng là cần tạo ra không khí cởi mở để đối tượng chịu sự giám sát nắm bắt, trả lời đầy đủ, thẳng thắn các vấn đề đoàn quan tâm; trao đổi, chia sẻ những vướng mắc, bất cập do khách quan, chủ quan để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề sau giám sát. Đồng thời, kết luận của trưởng đoàn tại các buổi giám sát trực tiếp phải cụ thể, đúng thực trạng, rõ vấn đề để thuận lợi cho việc tiếp nhận thông tin của đối tượng chịu sự giám sát và là “chất liệu” xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát.

Sau khi làm việc với các địa phương, đơn vị, Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh. Trước đó, Tổ Thư ký tổng hợp, xem xét những vấn đề nổi lên qua thực tiễn giám sát và qua nghiên cứu các báo cáo đơn vị gửi (có đối chiếu với quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn) xây dựng báo cáo sơ bộ gửi thành viên đoàn làm cơ sở trao đổi và yêu cầu UBND tỉnh giải trình làm rõ (tại cuộc làm việc này thì hầu hết các sở, ngành và UBND các cấp, các đơn vị liên quan đều được mời tham dự để giải trình các nội dung liên quan). Thực tiễn thấy rằng, cách làm như vậy hiệu quả, có đầy đủ thông tin phản hồi hai chiều, thuận lợi trong việc đánh giá, kiến nghị và cũng là tiền đề cho việc xây dựng dự thảo báo cáo chính thức bảo đảm thời gian luật định.

Tạo điều kiện giải trình, cung cấp thêm thông tin

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Bạc Liêu được gửi đến các đại biểu và trình kỳ họp HĐND tỉnh, đồng thời làm cơ sở để HĐND tỉnh xem xét, thảo luận và thông qua nghị quyết. Do đó, yêu cầu việc xây dựng báo cáo phải được chỉ đạo thực hiện khách quan, chính xác và chất lượng, đánh giá toàn diện, đầy đủ về nội dung giám sát; các số liệu, nhận định phải bảo đảm tính chính xác; đánh giá đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế… làm cơ sở cho việc kiến nghị đúng trọng tâm, “đúng người, đúng việc”, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và kiến nghị phải có tính khả thi tổ chức thực hiện. Đặc biệt, dự thảo báo cáo kết quả trước khi ký ban hành chính thức được gửi đến các đối tượng chịu sự giám sát, tạo điều kiện giải trình, cung cấp thêm thông tin (nếu cần). Báo cáo kết quả giám sát luôn được Thường trực HĐND tỉnh gửi xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy và Đảng Đoàn HĐND tỉnh để có ý kiến chỉ đạo cho phù hợp chủ trương.

Với cách làm trên, các kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh Bạc Liêu nhìn chung đã được quan tâm triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của đoàn giám sát. Bên cạnh đó, Thường trực phân công các Ban HĐND tăng cường giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Vì vậy, hầu hết các kiến nghị qua khảo sát, giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh đã được UBND tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện; đối với những kiến nghị không thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi, đến chốn thì tiến hành tái giám sát hoặc đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh.

Có thể nói, giám sát của HĐND là một chuỗi các hoạt động liên tục, có quan hệ biện chứng và đều quan trọng như nhau, không xem nhẹ hay bỏ sót hoạt động nào thì giám sát mới hiệu quả. Với cách thức tổ chức và phương pháp tiến hành trên, chất lượng giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Bạc Liêu đã có chuyển biến và đạt hiệu quả rõ rệt, góp phần để việc thực thi pháp luật của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát nghiêm túc hơn.

NGỌC HIỀN