Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thảo luận Tổ Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Phát triển hạ tầng viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia

- Thứ Hai, 06/06/2022, 13:00 - Chia sẻ

Tại phiên thảo luận Tổ, các ĐBQH Đoàn TP Hà Nội khẳng định: Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia. 

Bảo đảm an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH Đoàn TP Hà Nội cơ bản nhất trí với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện…

Phát triển hạ tầng viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia
 -0
Quang cảnh phiên thảo luận Tổ

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Lê Nhật Thành bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ bổ sung khoản 4 Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện đối với quy định sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt. “Đề nghị Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ với nội dung nêu trên, đồng thời nêu rõ việc bổ sung quy định vào dự thảo Luật là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng”, ĐBQH Lê Nhật Thành nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, việc kết hợp chặt chẽ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, trong đó chủ trương xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội. Qua đó, góp phần quan trọng hiện đại hóa lực lượng vũ trang, sử dụng tài nguyên quốc gia, ngân sách nhà nước nước tiết kiệm, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, việc sử dụng tần số vô tuyến điện cho mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội sẽ giúp tạo lập một kênh thông tin liên lạc dự phòng quan trọng khi xảy ra tình huống về an ninh, quốc phòng. Đồng thời cũng là kênh quan trọng để thực hiện công tác bảo đảm an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn chuyển đổi số.

Bảo đảm tính thống nhất trong cấp phép

ĐBQH Tạ Đình Thi cho rằng, việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế chưa bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện. Hiện nay, về phương thức cấp phép có ba hình thức là đấu thầu, thi tuyển và cấp trực tiếp. Nguyên tắc này cũng chưa bảo đảm sự thống nhất với việc cấp phép của cơ quan cấp trên. Ngoài ra, đại biểu cho rằng báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ chưa rõ ràng, đặc biệt Chính phủ căn cứ vào Nghị quyết số 132/2020/QH14 của Quốc hội. “Tuy nhiên, Nghị quyết số 132/2020/QH14 được ban hành nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế. Đặc biệt, Nghị quyết này chỉ mang tính chất thí điểm”, ĐBQH Tạ Đình Thi nêu rõ.

Còn ĐBQH Nguyễn Phi Thường bày tỏ quan điểm không quy định vào trong dự thảo Luật về đề xuất sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng để phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế. Theo đại biểu, trong bối cảnh hiện nay cần đặc biệt ưu tiên cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Kết luận nội dung này, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nêu rõ, qua thảo luận, các vị đại biểu đều thống nhất, đồng tình về sự cần thiết trình Quốc hội ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Các vị đại biểu cũng phân tích rõ hơn về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn để đề xuất sửa đổi, ban hành Luật. Các đại biểu có ý kiến đóng góp trực tiếp, trong đó cơ bản là phân tích rõ hơn về hai luồng ý kiến về đề xuất của Chính phủ sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng để phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế.

Phi Long
#