Hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp hình sự

- Thứ Sáu, 23/04/2021, 16:40 - Chia sẻ
Ngày 23.4, tại Hà Nội, Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) phối hợp cùng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng luật tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Vũ Thị Hải Yến cho biết, hơn 10 năm triển khai Luật Tương trợ tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã tiếp nhận, giải quyết 827 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước gửi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị thực hiện (yêu cầu tương trợ tư pháp đi) và 723 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị Việt Nam thực hiện (yêu cầu tương trợ tư pháp đến).

		Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Thực tiễn cho thấy, hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, qua đó nâng cao hiệu quả hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và pháp nhân của Việt Nam.

Ông Jinsuk Park, cố vấn cao cấp của UNODC Khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương cho rằng, hiện nay khả năng kết nối ngày càng gia tăng và tính ẩn danh trực tuyến cũng đang tạo ra môi trường thuận lợi cho nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm mạng phát triển. Chính vì vậy, các cơ quan thực hành pháp và tư pháp quốc gia đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tăng cường hợp tác hiệu quả xuyên biên giới.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về thực trạng hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự tại Việt Nam về những kết quả đạt được và những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai phối hợp giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và các nước, cũng như đảm bảo sự hài hòa giữa pháp luật trong nước và quốc tế. Đây cơ hội để chia sẻ, trao đổi thông tin, các vấn đề thực tiễn của Việt Nam và quốc tế để tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia, từ đó hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam.

Nguyễn Ngân