Hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật

- Thứ Sáu, 06/11/2020, 15:12 - Chia sẻ
Ngày 6.11, Bộ Tư pháp và Dự án JICA đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Một số định hướng lớn trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật”.

Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp Đặng Thanh Sơn; Cố vấn trưởng, chuyên gia Dự án JICA Yokomaku Kosuke đồng chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn cho biết, Toạ đàm là dịp các bộ, ngành liên quan đánh giá thực trạng công tác tổ chức thi hành pháp luật, thực trạng về thể chế điều chỉnh hoạt động tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay; đồng thời tạo diễn đàn để trao đổi thảo luận và tham khảo kinh nghiệm lập pháp, tổ chức thi hành pháp luật của Nhật Bản nói riêng và kinh nghiệm quốc tế nói chung. Từ đó đề xuất những định hướng phát triển và hoàn thiện đối với hoạt động tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam, phục vụ việc nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật.

Tọa đàm Một số định hướng lớn trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật

Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ luôn chú trọng đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành. Song song với đó, Bộ cũng chú trọng đến công tác tổ chức thi hành pháp luật bằng việc triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp, hình thức khác nhau để đảm bảo đưa luật vào cuộc sống như: ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản quy định chi tiết các Luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật; sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện các văn bản luật trong lĩnh vực quản lý của Bộ…

Đồng tình với nhiều ý kiến tại toạ đàm, Cố vấn trưởng Dự án JICA Yokomaku Kosuke cũng cho rằng, các đạo luật dù có hoàn thiện đến đâu nhưng nếu không tổ chức thi hành hiệu quả thì cũng không phát huy hết ý nghĩa, vai trò trong đời sống. Vì vậy, để bảo đảm tính hài hòa, thống nhất giữa các văn bản luật thì cần đảm bảo cả sự hài hòa trong khâu xây dựng và khâu thực thi.

Liên quan tới việc lập đề nghị xây dựng nhiều đại biểu cho rằng cần lưu ý một số vấn đề bao gồm: xác định cụ thể chủ thể gắn với phạm vi tổ chức Thi hành pháp luật; nội dung công tác tổ chức Thi hành pháp luật; cơ chế pháp lý xem xét, xử lý đối với vi phạm trong quá trình tổ chức Thi hành pháp luật đảm bảo các điều kiện cho công tác Thi hành pháp luật; thường xuyên phối hợp hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc Thi hành pháp luật và triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức Thi hành pháp luật”; tăng cường tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác theo dõi Thi hành pháp luật tại địa phương.

Đình Khoa