Hoàn thiện nền tảng pháp lý để mở đường đầu tư vào công nghệ

- Thứ Hai, 20/12/2021, 10:26 - Chia sẻ
Theo “Báo cáo Tiềm năng kinh tế số Việt Nam”, công nghệ số được dự báo có thể đem lại 1,7 triệu tỷ đồng cho kinh tế Việt Nam vào năm 2030. Để có thể đạt được điều đó, việc nắm bắt công nghệ mới hết sức quan trọng. Vì vậy, Việt Nam phải đẩy mạnh việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ quốc tế, nhất là trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo.

Công nghệ giúp tái cơ cấu nền kinh tế

Trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ chuỗi Blockchain, Internet vạn vật IOT, mạng 5G, tự động hoá quy trình bằng robot được đánh giá là xu hướng công nghệ mới hiện nay. Việc nắm bắt công nghệ mới hết sức quan trọng, cần thiết để thích ứng hiệu quả với Covid-19, vừa đảm bào an ninh an toàn không gian mạng, vừa đảm bảo duy trì phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các dịch vụ công ổn định, phát triển nền kinh tế, mang lại chất lượng phục vụ người dân và cộng đồng tốt hơn.

Báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” cho thấy, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan và nghe giới thiệu các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại chương trình “Dấu ấn TECHFEST và WHISE 2021”.
Ảnh: BTC

Các mô hình kinh doanh mới sẽ giúp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí năng suất cho doanh nghiệp. Các công nghệ này có thể tạo nên giá trị kinh tế đáng kể đối với các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Phát biểu tại hội nghị kết nối đầu tư "Thúc đẩy đầu tư công nghệ tương lai để dẫn đầu", Chủ tịch CLB Khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam (VDI) Nguyễn Đình Thắng cho biết, công nghệ đang trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp.

Cũng theo báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” việc áp dụng kỹ thuật số là rất quan trọng để Việt Nam ứng phó và phục hồi trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và sau đại dịch. Bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với khách hàng thông qua công nghệ số và giảm thiểu tắc nghẽn hậu cần (logistics) do gián đoạn chuỗi cung ứng, công nghệ có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát các tác động nghiêm trọng của Covid-19. Ước tính khoảng 70% tổng cơ hội kỹ thuật số của Việt Nam (tương đương giá trị 1,216 triệu tỷ đồng khoảng 52 tỷ USD) có thể xuất phát từ những ứng dụng công nghệ như vậy.

Đồng thời tại chương trình “Dấu ấn TECHFEST và WHISE 2021”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đổi mới sáng tạo góp phần cơ cấu lại nền kinh tế. Cần đổi mới cả trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ dựa trên điều kiện thực tế của đất nước; đất nước muốn phát triển nhanh và bền vững phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thúc đẩy đầu tư công nghệ tương lai để dẫn đầu

Từ năm 2016, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao nhất về định hướng phát triển thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” do Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18.5.2016. Chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam được khơi dậy rầm rộ như bây giờ với sự vào cuộc của hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Số lượng và chất lượng của các startup được cải thiện rõ rệt thông qua số lượng cũng như giá trị đầu tư trên mỗi thương vụ (đạt hơn 1,3 tỷ USD trong năm 2021).

Đồng thời, với làn sóng đầu tư về lĩnh vực công nghệ sáng tạo, các dự án khởi nghiệp đang bùng nổ trên thế giới cũng như tại Việt Nam thì việc hỗ trợ kết nối các Startups với các Quỹ Đầu tư mạo hiểm, đưa ra các Khuyến nghị chính sách, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và gọi vốn đầu tư trở nên cấp thiết.

Theo Trưởng ban Phát triển thị trường TECHFEST 2021 Đào Quang Bính cho biết, lợi thế của Việt Nam là có dân số trẻ, có học thức và am hiểu công nghệ tại Việt Nam chiếm 70% công dân dưới 35 tuổi, tỷ lệ biết đọc và viết ở nhóm 15-35 tuổi trên 98% (cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 91%) và khoảng hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Đồng thời, Việt Nam có nền kinh tế Internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia).

Ông Đào Quang Bính khẳng định, công nghệ mới đang phát triển như vũ bão và là một thách thức không nhỏ cho các nhà làm chính sách. Nếu không có tư duy cởi mở vượt trội thì rất khó tạo ra hành lang pháp lý cũng như một môi trường đủ hấp dẫn, thuận lợi cho giới đầu tư. Khi công nghệ, mô hình kinh doanh, sản phẩm đều đã thay đổi thì chính sách tất nhiên phải thay đổi.

“Tôi hy vọng trong một tương lai không xa, Việt Nam thực sự trở thành một điểm đến đầy hứa hẹn và hấp dẫn của giới đầu tư các công nghệ tiên phong trong khu vực trên thế giới nhờ vào cơ chế hỗ trợ, hành lang thông thoáng, đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài", ông Bính nhận định.

Cùng quan điểm, Chủ tịch CLB Khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh, để nắm bắt cơ hội thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa việc đầu tư công nghệ, Việt Nam cần sớm hoàn thiện nền tảng pháp lý để mở đường và khuyến khích đầu tư, xây dựng, kết nối nguồn lực trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại chương trình “Dấu ấn TECHFEST và WHISE 2021” Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải có cơ chế để sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực tế hiện nay, thủ tục hành chính còn rườm rà, cần phải dũng cảm cắt giảm. Đồng thời, phải tiếp tục thu hút và khai thông nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư chuyên nghiệp, tập đoàn lớn, tổ chức quốc tế, cá nhân, cộng đồng. Cần hình thành thị trường khoa học và đổi mới sáng tạo. Nhà nước cần tạo cơ chế để hình thành thị trường, mà bản chất là cạnh tranh lành mạnh, hình thành các chuỗi cung cầu.

Xuân Tùng