Hoàn thiện khung pháp lý cho kinh tế số

- Thứ Ba, 19/01/2021, 06:25 - Chia sẻ
Với tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay, các chuyên gia tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Vấn đề tiếp theo là cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế cho phát triển kinh tế số và chuẩn bị nguồn nhân lực số…

TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam:
Ưu tiên phát triển cơ sở dữ liệu

Kinh tế số Việt Nam có rất nhiều tiềm năng bởi dù mới triển khai vài năm gần đây nhưng tốc độ phát triển rất nhanh. Theo ước tính sơ bộ của Google, Temasek và Brain & Company, Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á với nền kinh tế số tăng trưởng 16% từ 12 tỷ USD năm 2019 lên 14 tỷ USD năm 2020, tương đương khoảng 5% GDP.

Tuy nhiên, có lẽ đây mới là lượng hóa sơ bộ bởi những tính toán đó chỉ đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Trong khi đó ở Việt Nam ngành nào cũng đang rất tích cực chuyển đổi số, từ giáo dục, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, nông nghiệp, thương mại… Nếu có thể tính đúng và đủ, với tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay thì đến năm 2025 hoàn toàn đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và khoảng 30% GDP năm 2030 như Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng. 

Trong tiến trình thực hiện mục tiêu của Chính phủ, 2021 sẽ là một năm bản lề rất quan trọng. Để thực hiện tốt phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” như Thủ tướng đã nêu, Việt Nam phải sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế cho phát triển kinh tế số và chính quyền số để hướng tới một xã hội số. Bên cạnh đó, cần thống nhất cách thức đo lường kinh tế số vì hiện nay chưa đầy đủ. Đồng thời, nên ưu tiên nâng cao hạ tầng số cũng như xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu bao gồm cả dữ liệu của cá nhân, doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý; bảo đảm vừa phát triển được kinh tế số vừa kiểm soát được rủi ro, bảo mật thông tin dữ liệu cho người dân.

Đặc biệt, phải hết sức lưu ý công tác giáo dục đào tạo để phát triển nguồn nhân lực số bởi lẽ Việt Nam đang thiếu rất nhiều chuyên gia liên quan đến các lĩnh vực công nghệ số, phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro an ninh mạng, AI…

TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương:
Covid-19 mở ra những điểm sáng để kinh tế số phát triển mạnh

Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng internet, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Thương mại điện tử trong năm 2020 phát triển vượt bậc, báo cáo của Niesel Việt Nam cho thấy Covid-19 khiến người tiêu dùng mua sắm online nhiều hơn 25%.  Có thể nói, Covid-19 mang đến nhiều tác động tiêu cực nhưng cũng mở ra những điểm sáng để kinh tế số Việt Nam năm 2021 phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đội ngũ doanh nhân hiện nay phần lớn là những người trẻ, rất năng động và chịu khó học hỏi, vì thế mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP năm 2025 của Chính phủ hoàn toàn có thể thực hiện được.

Vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay là cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để bảo đảm sự an toàn và bảo mật của những hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử và thông tin dữ liệu của người dùng. Trên cơ sở đó, thương mại điện tử, xuất khẩu trực tuyến, làm việc trực tuyến… sẽ được tin tưởng hơn. Chính phủ cũng nên xem xét có những nguồn vốn hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia vào đường đua kinh tế số.

TS NGUYỄN TRUNG TUẤN, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số (Đại học Kinh tế quốc dân):
Đẩy mạnh đào tạo nhân lực số

Kinh tế số được hiểu là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế; kinh tế số có các đặc trưng vận hành với các quy luật mới, tốc độ thay đổi nhanh chóng, tính kết nối lớn (hệ sinh thái), tính chia sẻ mạnh; dữ liệu là tài sản, tài nguyên, vốn... Kinh tế số ở nước ta hiện đã tiếp cận được công nghệ hiện đại thế giới. Những thành tựu cơ bản của kinh tế số đã phát triển mạnh trong đời sống kinh tế - xã hội có thể kể tới là thương mại điện tử, giao thông vận tải, công nghệ tài chính, công nghệ thông tin truyền thông. Nhóm dịch vụ công có Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, y tế thông minh.

Với những thành tựu đã đạt được trong năm 2020, kinh tế số năm 2021 tại Việt Nam có thể sẽ phát triển mạnh hơn nữa do tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như các yếu tố ngoại lai thúc đẩy rất mạnh việc chuyển đổi số. Để làm được điều này, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách. Bên cạnh đó đẩy mạnh các ngành nghề liên quan như công nghệ thông tin và truyền thông, thương mại điện tử, cải thiện hạ tầng truyền dẫn. Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và đặc biệt là ngành vận tải logistic cần được quan tâm hỗ trợ chuyển đổi số nhanh chóng.

Đối với nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể hoạt động đa ngành nghề. Các doanh nghiệp nên coi công nghệ thông tin là nền tảng, là công cụ chính của lực lượng lao động trong thời kỳ chuyển đổi số.

Minh Trang