Hỏa tốc ban hành, hỏa tốc thu hồi!

- Thứ Ba, 03/08/2021, 05:50 - Chia sẻ
Không khó để có thể chỉ ra các văn bản vừa được  các  cơ  quan  chức  năng  ban hành hỏa tốc nhằm giải quyết những vấn đề mới phát sinh, lại hỏa tốc thu hồi bởi những dữ liệu chưa tính toán kỹ lưỡng khi ban hành. Đơn cử, ngày 26.7.2021, Bộ Y tế đã ký thu hồi Công văn 5944 về việc tăng cường, phòng chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được ban hành vào ngày 24.7.2021 - tức là chỉ trước đó 2 ngày.

Hay, ngày 3.6.2021 khi UBND thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) ra Công văn số 178/UBND về việc khảo sát sử dụng vaccine tại địa phương này. Công văn nêu rõ tổ chức thống kê, đăng ký, cam kết tự nguyện với việc tiêm vaccine của cá nhân theo từng hộ gia đình, bảo đảm tính chính xác của số liệu bằng văn bản; đồng thời khẳng định “Kinh phí tiêm vaccine sẽ do người sử dụng tự chi trả”. Tuy nhiên, vào ngày 10.6.2021, UBND thị trấn Đông Anh đã ra Công văn số 186/UBND thu hồi công văn trên, trong đó nêu rõ “kinh phí tiêm vaccine sẽ do người sử dụng tự chi trả” là sai nội dung.

Liên quan đến việc kiến nghị, xử lý văn bản trái pháp luật, theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2018, cơ quan này đã kiến nghị xử lý 84 văn bản (27 văn bản cấp bộ và 57 văn bản cấp tỉnh); năm 2019 kiến nghị xử lý 165 văn bản (13 văn bản cấp bộ và 152 văn bản cấp tỉnh); năm 2020 kiến nghị xử lý 68 văn bản (6 văn bản cấp bộ và 62 văn bản cấp tỉnh)… có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật.

Có thể kể đến một số nguyên nhân của tình trạng trên là nhận thức về công tác xây dựng, ban hành văn bản của cán bộ, công chức một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ; quy trình ban hành văn bản, nhất là đánh giá tác động, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trong nhiều trường hợp còn được thực hiện chưa thực chất; năng lực của một bộ phận công chức làm công tác xây dựng văn bản chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ… Đặc biệt, gần đây những vấn đề kinh tế - xã hội mới nảy sinh có chiều hướng gia tăng, trong khi các điều kiện bảo đảm cả về con người và cơ sở vật chất cho công tác xây dựng pháp luật chưa tương xứng.

Trước thực tế nhiều bộ, ngành, địa phương phải ban hành văn bản hỏa tốc để thu hồi văn bản đã ban hành, không ít ý kiến cho rằng, cần phải có chế tài cụ thể. Tuy nhiên, nếu soi chiếu vào các văn bản hiện hành liên quan đến vấn đề này như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thì đều quy định rõ: Cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi, nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Vậy, vấn đề chính là việc thi hành các quy định này như thế nào? Cho đến nay thì hầu như chưa có cá nhân nào bị áp dụng những quy định nêu trên. Thực tế, việc xác định lỗi trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật là rất khó. Bởi một văn bản quy phạm pháp luật do nhiều cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức liên quan thực hiện với nhiều khâu, đoạn (soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thông qua, ký ban hành…); việc xác định, cá biệt hóa trách nhiệm phải căn cứ vào tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản. Đây là vấn đề không hề đơn giản, nhất là khi chưa có được  thước đo chuẩn về sự thiệt hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật. Hơn nữa, quá trình thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, hệ thống pháp luật còn đang bỏ ngỏ, chưa quy định về trình tự, thủ tục cho việc soạn thảo, ban hành, thu hồi hay xử lý văn bản cá biệt trái pháp luật.

Đình Khoa