Hòa quyện cuộc đời nhà thơ, nhà cách mạng

- Chủ Nhật, 11/10/2020, 20:34 - Chia sẻ
Từng hình ảnh, hiện vật, vần thơ nối nhau theo trình tự thời gian, điểm những dấu ấn đặc biệt trên mỗi chặng đường, thể hiện sự tác động chặt chẽ giữa cá nhân với thời cuộc, giữa cá nhân với xã hội. Bởi vậy, đến với Bảo tàng Tố Hữu cũng là gặp lại con người mà sự nghiệp thơ ông chính là một phần của sự nghiệp cách mạng mà suốt đời ông phụng sự.

Hai tuyến song song

Sinh thời, phu nhân của nhà cách mạng, nhà thơ Tố Hữu đã tổ chức một nhà lưu niệm chính tại số nhà D9, làng Quốc tế Thăng Long, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Nhà lưu niệm lúc ấy chỉ là một không gian nhỏ với cách bài trí giản dị, chân phương nhưng xúc động. Để rồi, hơn 10 năm trôi qua, nỗi đau đáu trong lòng những người con của nhà thơ niềm mong mỏi làm lại một trưng bày chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Kết quả của nỗi đau đáu ấy là “Bảo tàng Tố Hữu”, được khánh thành sáng 11.10, trên không gian nhà lưu niệm trước kia.

Tham quan trưng bày tại Bảo tàng Tố Hữu
Tham quan trưng bày tại Bảo tàng Tố Hữu

“Liệu làm mới nhà lưu niệm có tốt hơn không? Đó là một thách thức. Nhưng thách thức lớn hơn còn là làm thế nào để chuyển tải cho người xem về cuộc đời của Tố Hữu, một nhà thơ, một nhà cách mạng theo cách trung thực và sinh động nhất”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ về “đề bài” mà ông cùng các cộng sự đặt ra khi thực hiện trưng bày Bảo tàng Tố Hữu, và lời giải chính là hai tuyến song song hòa quyện: Một là cuộc đời và hoạt động chính trị, một tuyến khác là thơ, những bài thơ, những tập thơ của ông xuất hiện theo năm tháng, được đặt trong tầm nhìn quy chiếu với tuyến chính trị ở trên.

Dẫn dắt câu chuyện là lời kể của nhân vật chính. Lời kể được lấy ra từ hai cuốn hồi ký của Tố Hữu. Cuốn “Nhớ lại một thời” do chính ông kể và biên tập, cẩn thận chính sửa từng câu chữ. Một cuốn được ông viết từ những năm 1990, nhưng vì một lý do nào đó đã cất đi không sử dụng. Và câu chuyện thơ được kể thông qua 9 khối trưng bày gắn với những áng thơ nổi tiếng của ông: Các tập thơ "Từ ấy", "Việt Bắc", "Máu và hoa", "Một tiếng đờn", "Ta với ta"; các bài thơ "Huế Tháng 8", "Bài ca Xuân 61", "Toàn thắng về ta", "Bác ơi", "Tạm biệt"…

Phác họa chặng đường của nhà thơ - nhà cách mạng Tố Hữu
Các chặng đường của nhà thơ - nhà cách mạng Tố Hữu

Ở đó có câu chuyện làm thơ, bối cảnh bài thơ… như cảm xúc trong tù nghe tiếng rao đêm của trẻ nhỏ, hoặc cảm xúc trào dâng khi trên đường về tiếp quản Hà Nội, hay cảm  xúc và tinh thần tập trung cao độ khi sáng tác về Bác… Ở đó còn có những câu chuyện kể về một vài thói quen nho nhỏ của nhà thơ như chuyện chỉ làm thơ vào ban đêm, có cá tính huýt sáo khi làm thơ để tìm nhịp điệu, cả cách nhà thơ trăn trở tìm câu chữ, ý tứ qua những bản thảo được viết nhiều lần, dập dập, xóa xóa.

Một đời phụng sự

Từ ấy là một tâm hồn trong trẻo của tuổi mười tám, đôi mươi khi theo lý tưởng cao đẹp, dám sống, dám đấu tranh nhưng tình cảm mơ hồ, chưa chín… Tôi muốn nói đến lẽ sống, đến khát vọng của mình với lý tưởng… "Từ ấy" cũng là tiếng nói, tiếng gọi thôi thúc của hành động”.

“Bài Huế tháng Tám hơi đặc biệt, có những câu thơ reo vui như trẻ con. Nhiều năm hoạt động bí mật, mất đi thói quen nói to, bây giờ được tự do, ăn to nói lớn. Quả có một nhu cầu giải thoát. Và chính cách mạng đã đem đến cho mình niềm vui lớn ấy. Nếu chỉ là niềm vui cá nhân thì không có âm vang như thế”.

“Có thể nói tôi đã gửi gắm vào Bài ca Xuân 1961 cả niềm lạc quan và tin tưởng vững chắc ở thắng lợi của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Vào thời điểm khó khăn ấy, chúng ta đi lên từ nghèo khó, chắt chiu, mà lòng vẫn phấn khởi với cuộc đời mới. Bài thơ cũng dự báo tương lai tươi sáng của đất nước. Lòng tôi đang vui với miền Bắc, bỗng thắt lại, xót xa cùng miền Nam thân yêu”…

Những hiện vật, câu thơ gắn với từng chặng đường cách mạng của Tố Hữu

Những tâm sự được đặt giữa nhiều lời kể khác khi Tố Hữu nhắc lại về những vần thơ và cuộc đời làm cách mạng của mình. Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, ẩn sâu trong đó là một con người nữa của Tố Hữu - nhà thơ, chiến sĩ cách mạng. “Bởi lẽ, ông đến với thơ ca cũng là gắn chặt với con đường đấu tranh cách mạng, gắn chặt với từng dấu mốc lịch sử của dân tộc. Thơ là tiếng lòng, nhưng cũng là người bạn đồng hành để ghi dấu cuộc đời cách mạng gian khổ, chông gai nhưng cũng nhiều dấu son sáng ngời”.

Còn Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, cái tên Tố Hữu không mấy xa lạ, nhưng những điều gợi mở từ thơ ông, từ câu chuyện con người, cuộc đời ông vẫn luôn là điều cần được khám phá, liên tưởng và suy ngẫm. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, công chúng hôm nay có thể gặp lại Tố Hữu trong bảo tàng mang tên ông, như thể chính nhà thơ - chiến sĩ cách mạng ấy đang dẫn dắt mỗi người trở về quá khứ, sống lại những cảm xúc thiêng liêng trước các sự kiện lịch sử cách mạng.

“Ngày hôm nay, chúng ta có Bảo tàng Tố Hữu ở đây, nhưng còn có một bảo tàng Tố Hữu rất đặc biệt nữa. Có một ý rất hay, rằng: Không có ai tổng kết tư tưởng Hồ Chí Minh tài và chính xác bằng Tố Hữu, cũng không có ai tổng kết những chặng đường cách mạng giỏi như Tố Hữu. Tôi thấy điều đó rất đúng. Nói như nhà thơ, nhà phê bình Vũ Quần Phương: Nhờ có cách mạng thì mới có Tố Hữu, nhưng rồi cũng nhờ có Tố Hữu mà cách mạng, Đảng đã đến được với từng người dân, qua những bài thơ rất dễ đọc, dễ hiểu. Tôi nghĩ rằng, chính những bài thơ của Tố Hữu cũng là bảo tàng của cuộc đời ông, là bảo tàng của cách mạng Việt Nam, vì lần giở trong đó, ta sẽ thấy được đường đi của cách mạng như thế nào”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Hải Đường