Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

- Thứ Tư, 30/12/2020, 07:09 - Chia sẻ
Sau 10 năm thực hiện, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2020 (Chương trình 585) đã góp phần đưa pháp luật đến với doanh nghiệp. Nhờ Chương trình nhiều doanh nghiệp nắm bắt được những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, biết đến pháp chế doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, Chương trình chưa bám được trúng, đúng vấn đề pháp lý doanh nghiệp đang cần.

Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 585 giai đoạn 2010 - 2014 và 2015 - 2020 cho thấy, Chương trình đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình, về cơ bản đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Từ đó, tạo lập các điều kiện cần thiết để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, phản ánh của nhiều địa phương cho thấy, tình trạng doanh nghiệp không chú ý tới việc tìm hiểu và thực hiện pháp luật còn phổ biến. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc cập nhật kiến thức pháp luật kinh doanh, coi nhẹ yếu tố pháp lý trong kinh doanh nên không cử cán bộ có chuyên môn, gắn với công việc pháp chế đi tham gia các chương trình bồi dưỡng. Thậm chí có tình trạng cử nhân viên học việc, bảo vệ, văn thư tham dự các lớp tập huấn. 

Một lý do lớn nhất mà các doanh nghiệp không tham gia các lớp bồi bưỡng là các doanh nghiệp thường không lo phòng tránh rủi ro trong kinh doanh mà có quan điểm là chỉ đến khi sự việc pháp lý xảy ra sẽ thuê luật sư hoặc nhờ vào các mối quan hệ để giải quyết vụ việc. Trong khi đó, chất lượng thông tin, thông tin pháp lý mà doanh nghiệp có được chưa đầy đủ, kịp thời và độ tin cậy cao. Đa số các trang thông tin cho doanh nghiệp cung cấp các thông tin chung chung, lạc hậu, thiếu các thông tin phục vụ thiết thực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 đang trình Thủ tướng Chính phủ. Để Chương trình trở thành người bạn pháp lý của doanh nghiệp, thiết nghĩ các bộ, ngành liên quan cần xác định được nhu cầu pháp lý của doanh nghiệp, từ đó có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể. Đối với từng loại hình doanh nghiệp sẽ có những vấn đề pháp lý và những vướng mắc cụ thể; tránh tập huấn, bồi dưỡng dàn trải.

Đặc biệt cần từng bước chuyển từ trang bị kiến thức pháp luật đơn thuần sang hướng dẫn kỹ năng áp dụng pháp luật, kỹ năng xử lý các vướng mắc và tập trung mạnh vào việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho một doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp có thể vận dụng được cách xử lý đó. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện doanh nghiệp và các đoàn luật sư, liên đoàn luật sư để cử ra các luật sư có nhiều kinh nghiệm tư vấn doanh nghiệp khởi nghiệp, trợ giúp doanh nghiệp xử lý các tình huống cụ thể.

Đình Khoa