Hỗ trợ phải đến được doanh nghiệp

- Thứ Bảy, 13/03/2021, 06:52 - Chia sẻ
Trong năm 2020, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Đây là số liệu được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố sáng qua, (12.3). Trước thực trạng khó khăn này, doanh nghiệp rất cần “phao” chính sách hỗ trợ đủ mạnh và kịp thời để vượt khó.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 35% doanh nghiệp tư nhân trong nước, 22% doanh nghiệp FDI cho biết phải sa thải lao động do tình hình kinh doanh suy giảm. Số lao động buộc phải nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động làm việc tại doanh nghiệp.

Tổng cục Thống kê vừa qua cũng cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2021, có 33.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thực tế đáng buồn mà các doanh nghiệp đang phải đối diện trước làn sóng Covid-19 xảy ra trong thời gian qua. Những tác động tiêu cực của Covid-19 càng ngày càng rõ nét bởi những con số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ. Điều này cũng đồng nghĩa với hàng nghìn lao động mất việc làm. Không ít gia đình rơi vào tình trạng khó khăn do các lao động chính bị mất việc làm mà chưa tìm được việc làm thay thế. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp đóng cửa, Nhà nước cũng mất đi một khoản lớn thu không nhỏ ngân sách.

Để doanh nghiệp vượt khó, thời gian qua, Chính phủ và địa phương đã kịp thời tung ra những “phao” chính sách hỗ trợ. Chỉ tính trong năm 2020, có 95 văn bản của cấp Trung ương, cấp địa phương ban hành liên quan tới các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh. Điều này cho thấy, đã có sự chủ động, tích cực trong việc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó có gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng; gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng; gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất 180.000 tỉ đồng; gói hỗ trợ trả lương lao động 16.000 tỉ đồng…

Trong lúc khó khăn, những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ là nguồn động viên rất lớn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tiếp cận chính sách hỗ trợ này. Không ít doanh nghiệp phản ánh, trong khi chính sách gia hạn về thuế dễ tiếp cận nhất, thì chính sách vay tín dụng lãi suất 0% để trả lương cho người lao động lại khó tiếp cận nhất.

Chính sách ban hành kịp thời, triển khai còn “đủng đỉnh” là điều làm doanh nghiệp rất băn khoăn. Một lần nữa vấn đề này lại “nóng” trên diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười vừa qua. Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp, người lao động trực tiếp chịu ảnh hưởng sâu do tác động của dịch bệnh Covid-19 tiến độ thực hiện quá chậm. Trong đó, chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang cho thấy nhiều bất cập, lúng túng trong việc thực thi. Đặc biệt, với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số lượng đông đảo nhất, chịu sự tác động nặng nề nhất nhưng lại là "nhóm tiếp cận khó nhất". Đại biểu Cao Đình Thưởng đặt vấn đề: Nguyên nhân của tình trạng trên phải chăng là sự ngại ngùng, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai khiến tiến độ bị chậm trễ?

Cùng quan điểm này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nhấn mạnh, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh là giải pháp quan trọng. Các chính sách, chủ trương của Chính phủ là kịp thời, tích cực và quyết liệt nhưng việc hướng dẫn tổ chức thực hiện còn lúng túng. Gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay 0% lãi suất để trả lương ngừng việc cho người lao động đến nay vẫn ít doanh nghiệp nhận được nguồn hỗ trợ này. Từ thực tế này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị, Chính phủ đánh giá một cách đầy đủ kết quả các chính sách đã ban hành. Đặc biệt là hiệu quả từng gói hỗ trợ và đánh giá tình hình của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh một cách sâu rộng, toàn diện. Qua đó có chính sách phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực để phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ.

Để trụ được trong thời điểm khó khăn này, ngoài sự cố gắng từ nội lực của doanh nghiệp, rất cần hỗ trợ từ phía Chính phủ, các địa phương với những chiếc “phao” chính sách được ban hành và triển khai kịp thời. Đừng để chính sách đã ban hành nhưng doanh nghiệp phải mòn mỏi chờ được tiếp cận. Xét cho cùng, chính sách chỉ thực sự có ý nghĩa khi được triển khai kịp thời và đến đúng đối tượng được thụ hưởng.

Hà An