Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

Hỗ trợ nông dân sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà

- Thứ Hai, 07/06/2021, 05:45 - Chia sẻ
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội) đã và đang hỗ trợ nông dân các huyện trên địa bàn thành phố triển khai mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn. Qua 2 năm thí điểm, mô hình này mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo ra chất lượng sản phẩm thịt ngon hơn, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả cao
Nguồn: ITN

Thu lãi cao hơn phương pháp nuôi thông thường 

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, từ năm 2019, trung tâm thực hiện thành công mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn quy mô 50.000 con/năm. Kết quả cho thấy, đàn gà khỏe, tăng trọng nhanh, giảm công sức chăm sóc và chi phí thuốc kháng sinh trong phòng, điều trị bệnh; thu lãi cao hơn phương pháp nuôi thông thường 10-15%. Phát huy kết quả đó, từ tháng 7 đến tháng 12.2020, trung tâm tiếp tục thực hiện mô hình với quy mô 50.000 con gà trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây với 61 hộ nông dân tham gia. Mô hình có tổng mức đầu tư hơn 2,89 tỷ đồng.

Mô hình sử dụng thảo dược gói Livotas, có nguyên liệu chính với chiết xuất từ các thảo dược như xuyên tâm liên, cây chó đẻ, cây hồ hoàng liên, cây rau riếp xoắn, cây bồ công anh, cây cỏ mực, cây cam thảo, cây kế sữa, cây sâm đất, nghệ. Thảo dược có công dụng giải độc gan, kích thích hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho đàn gà, giảm việc dùng kháng sinh trong quá trình nuôi nâng cao chất lượng thịt gà. Mô hình này không chỉ giúp giảm chi phí thức ăn, giảm tồn dư thuốc kháng sinh, mà còn tăng tỷ lệ thịt sạch cung cấp cho thị trường, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Anh Nguyễn Văn Hải - 1 trong 5 hộ dân của xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) được tham gia mô hình, cho biết: Sau 15 - 20 ngày nuôi, anh bắt đầu sử dụng thảo dược hòa nước cho gà uống theo tỷ lệ 1 lít thảo dược Livotas cho 2.000 lít nước. Mỗi ngày cho gà uống một lần, sử dụng liên tục trong quá trình nuôi. Sau 3-5 tháng nuôi, đàn gà phát triển khỏe mạnh, đạt cân nặng trung bình từ 1,1-1,7kg/con. Anh Hải cho biết thêm, với hình thức chăn nuôi sử dụng thảo dược giúp giảm được chi phí sử dụng thuốc thú y, giảm tỷ lệ gà chết vì quá trình nuôi được bổ sung thường xuyên các kháng sinh tự nhiên. Tại địa phương, gà thả vườn hiện có giá bán dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg.

Ông Bùi Văn Tin (thôn Đồng Chằm, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai) chia sẻ, “gia đình tôi và những hộ tham gia mô hình được hỗ trợ và đối ứng 50% tổng trị giá giống, thức ăn, thảo dược; được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, cách phòng, trị bệnh cho gà… Cán bộ khuyến nông cũng bám sát quá trình thực hiện chăn nuôi gà của các hộ gia đình và đưa nông dân tham quan các mô hình ở những huyện khác để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm”.

Mở ra hướng đi mới

Là cán bộ chỉ đạo thực hiện mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn trên địa bàn xã Kim Sơn và phường Trung Sơn (thị xã Sơn Tây), chị Vũ Thị Bích Diệp thông tin, 10 hộ tham gia mô hình ở 2 xã, phường, mỗi hộ được hỗ trợ 1.000 con gà, 4.700kg thức ăn và thảo dược… Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, bình quân thu lãi 50- 60 triệu đồng/1.000 con gà.

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai Kiều Minh Khuê khẳng định, sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà có tác dụng kháng khuẩn, kích thích sinh trưởng, giảm dịch bệnh trên gà, mang lại tỷ lệ nuôi sống cao. Mô hình đã mở ra hướng đi mới trong tiếp cận thị trường đối với sản phẩm gà sạch phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay.

Là đơn vị hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình này, theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, trung tâm cũng đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội quan tâm, tiếp tục triển khai mô hình trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đề nghị các địa phương hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, tạo chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôi, giúp tiêu thụ ổn định sản phẩm để nông dân yên tâm phát triển chăn nuôi gia cầm sạch với quy mô lớn, tập trung, gia tăng lợi nhuận.

Thảo Anh