Hỗ trợ nhóm lao động nào?

- Thứ Ba, 22/06/2021, 05:52 - Chia sẻ
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhóm lao động phi chính thức, những người có thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề nhất nên là nhóm được ưu tiên cao trong gói chính sách hỗ trợ lần này.

Gói hỗ trợ lần 1 được Chính phủ đưa ra tháng 4.2020 trị giá gần 62.000 tỷ đồng. Tới tháng 5.2021, gói này giải ngân được gần 13.100 tỷ đồng, tương đương hơn 22% dự kiến ban đầu. Trong đó, nhóm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được tiếp cận với các hỗ trợ. Từ góc độ doanh nghiệp, các gói hỗ trợ về tín dụng, giãn nợ hay hỗ trợ đào tạo, một cách gián tiếp cũng mang lại lợi ích cho người lao động trong khu vực chính thức.

Tuy nhiên, nhóm lao động phi chính thức, trong đó có thể kể đến những người làm những nghề nghiệp không có địa điểm cố định (bán hàng rong, vé số, đánh giày, buôn bán vỉa hè… ); những người làm các công việc không có hợp đồng lao động (tài xế xe công nghệ, công nhân xây dựng…) hoặc các hộ kinh doanh nhỏ lẻ… phần lớn chưa tiếp cận được đến gói hỗ trợ này.

Gói hỗ trợ lần thứ nhất đã từng tính toán đưa những nhóm này vào đối tượng hỗ trợ, nhưng khó khăn trong việc lên danh sách, xác định đúng đối tượng đủ điều kiện nhận hỗ trợ đã khiến việc thực thi chưa được như mục tiêu chính sách đề ra ban đầu. Có thể coi, đây là những nhóm đã “lọt lưới an sinh xã hội” trong suốt khoảng thời gian dịch diễn ra.

Trên thực tế, đây lại là những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bất kỳ khi nào việc giãn cách xã hội hay phong tỏa diễn ra, các nhóm ngành nghề trên đều là những nhóm đầu tiên phải dừng công việc của họ. Thu nhập bị gián đoạn trong khi vốn tích lũy, tiết kiệm của họ không có nhiều, có thể hiểu, đây là những nhóm gặp khó khăn nhiều nhất trong thời gian qua. Vì vậy, nếu gói hỗ trợ tiếp theo tiếp tục bỏ qua nhóm này, mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” chỉ là lời nói hơn là hành động thực tế.

Có những khó khăn nhất định trong việc xác định cụ thể đối tượng kể tên - bởi điều đó xuất phát từ ngay bản chất nghề nghiệp của họ - những công việc không có đăng ký thông tin chính thức, không có nơi làm việc cố định và khó chứng minh mức độ thu nhập bị giảm sút. Tuy vậy, về mặt kỹ thuật, nếu Chính phủ quyết tâm tiếp cận và cung cấp hỗ trợ cho nhóm này thì không phải là không làm được. Một số gợi ý có thể cân nhắc về mặt kỹ thuật thực thi ở đây.

Thứ nhất, cần phân loại chi tiết các nhóm phi chính thức, từ đó có hướng tiếp cận phù hợp về quy trình hỗ trợ. Ví dụ, nhóm kinh doanh nhỏ có địa chỉ kinh doanh cố định (cửa hiệu cắt tóc, hàng quán nhỏ...); hoặc lao động trong những ngành nghề cố định (tài xế xe ôm, giáo viên mầm non tư thục bị giãn việc…). Các giấy tờ có liên quan gồm hồ sơ thuế, chứng từ thể hiện thu nhập (thỏa thuận làm việc, biên nhận lương/tiền công…) có thể được sử dụng để xác định và từ đó làm căn cứ chi trả. Với nhóm không có địa chỉ cố định (bán hàng rong, hàng nông nghiệp từ ngoại thành nội đô, người đánh giày, bán vé số…) cần sự kết hợp xác minh thông tin từ nơi thường trú (ở quê) hoặc tạm trú (ở thành phố) ở cấp độ tổ dân phố, thôn xóm. Mạng lưới chính quyền địa phương - cấp tổ dân phố/thôn và cấp phường xã vốn là thế mạnh của chúng ta có thể giúp xác minh những thông tin về các đối tượng này.

Thứ hai, dù phân loại nhóm nào đi nữa, tận dụng công nghệ số để lập, kiểm tra, kiểm tra chéo thông tin, nhất là với các nhóm cư trú ở quận huyện khác nhau, thậm chí tỉnh thành khác nhau, là biện pháp hỗ trợ đặc biệt hiệu quả cần khai thác. Nếu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gặp khó khăn về kỹ thuật, công nghệ, hoàn toàn có thể kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ tham gia vào tiến trình này.

“Không ai bị bỏ lại phía sau” luôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong khó khăn, định hướng này hơn bao giờ hết cần phải thể hiện trong chính sách và thực thi được trên thực tế. Và gói hỗ trợ lần 2 vì vậy không thể “bỏ qua” nhóm lao động phi chính thức đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Cẩm Phô