Hỗ trợ nhà khoa học trẻ tham gia đề tài tiềm năng

- Thứ Bảy, 13/04/2013, 10:34 - Chia sẻ
Ngày 12/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị đánh giá việc thực hiện Đề án thí điểm xây dựng nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; Chủ tịch Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia Hoàng Văn Phong tham dự hội nghị.

Với 93 đề tài có tính mới và có tính ứng dụng cao được thực hiện, trong gần 2 năm, Đề án đã tạo điều kiện cho trên 600 cán bộ khoa học được học hỏi, trau dồi kinh nghiệm trong thực hiện các nhiệm vụ cấp nhà nước. 

Nhiều cán bộ khoa học trẻ đã thể hiện được năng lực trong nghiên cứu khoa học, được các chuyên gia và hội đồng chuyên ngành đánh giá cao. Số lượng bài báo được công bố trên các tạp chí ISI quốc tế và hội nghị quốc tế cũng như trên các tạp chí khoa học trong nước có tỷ lệ cao hơn nhiều so với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các chương trình giai đoạn trước. 
 
Hội đồng tư vấn của đề tài đã lựa chọn, đánh giá xuất sắc cho 18 đề tài của các nhà khoa học như nghiên cứu đề xuất mô hình, giải pháp phát hiện và cảnh báo cháy dựa trên kỹ thuật thị giác máy phục vụ công tác phòng chống cháy nổ; thiết kế chip nhận dạng tiếng nói tiếng Việt trên nền công nghệ FPGA; hệ hỗ trợ trực tuyến cảnh báo lũ cho lưu vực sông Vu Gia, Quảng Nam; chế tạo mực in nano bạc và ứng dụng trong công nghệ in các mạch điện tử...
 
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao chất lượng của đề án, cũng như tạo điều kiện để các nhà khoa học trẻ tham gia thực hiện. Các đại biểu cho rằng để các đề tài tiềm năng đạt hiệu quả cao, cần có tiêu chí đánh giá đề xuất, đánh giá kết quả một cách cụ thể, chi tiết; cần đổi mới hơn nữa cơ chế quản lý các đề tài của nhà khoa học trẻ, đặc biệt là cơ chế tài chính để cán bộ trẻ có nhiều thời gian hơn nữa cho công tác chuyên môn.
 
Ngoài ra, cần xây dựng một chương trình (trong 5 năm đến 10 năm) nhằm hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ, tiềm năng từ các trường đại học, viện nghiên cứu làm hạt nhân để hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, hướng tới hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

TT