Theo đó, ngân sách nhà nước bảo đảm tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện công lập. Đối với chi hỗ trợ chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sĩ; điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường, mức ngân sách nhà nước hỗ trợ 95%.
Thông tư cũng quy định việc thực hiện thí điểm hỗ trợ đến năm 2020 người cai nghiện ma túy tự nguyện tại 15 cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm: Sơn La, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ theo quy định tại Điều 2a, Nghị định số 147/2003/NĐ-CP được bổ sung tại Khoản 3, Điều 1, Nghị định số 80/2018/NĐ-CP.
Thông tư cũng nêu rõ, chi lập hồ sơ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng: 30.000 đồng/hồ sơ; chi hỗ trợ cán bộ tham gia công tác điều trị cai nghiện ma túy trong thời gian điều trị cắt cơn nghiện ma túy tập trung tại cộng đồng 100.000 đồng/người/ngày.