Đây là hoạt động nhằm góp phần hỗ trợ các cơ quan hữu quan tăng cường quản lý kinh doanh đồ uống có cồn, bao gồm cả hình thức thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ thương nhân kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử tuân thủ các quy định liên quan.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch VBA Chu Thị Vân Anh đánh giá, sự kiện một lần nữa đề cao nỗ lực và trách nhiệm của các doanh nghiệp ngành sản xuất đồ uống có cồn và các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử trong thời đại kinh tế số. Từ đó, góp phần thúc đẩy lợi ích chung của các chủ thể trong nền kinh tế bao gồm cộng đồng kinh doanh, các cơ quan hữu quan, người tiêu dùng, vì một xã hội lành mạnh và phát triển.
Đồng tình với chia sẻ trên, đại diện APISWA khẳng định, với tư cách là hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty quốc tế hoạt động trong lĩnh vực rượu vang, rượu mạnh tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, APISWA đặc biệt đề cao trách nhiệm tuân thủ cũng như trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng.
Luật Phòng, chống tác hại rượu bia được Quốc hội thông qua ngày 14.6.2019 và các văn bản hướng dẫn đã cho phép kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử. Điều này, mở ra cơ hội kinh doanh mới, đồng thời đặt ra những thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành, bởi họ sẽ phải tuân thủ đồng thời những quy định pháp luật về kinh doanh đồ uống có cồn và thương mại điện tử. Tuy vậy, kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử có thể là một hình thức mới mẻ với nhiều doanh nghiệp, thương nhân tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có cồn.
Tại lớp tập huấn, bên cạnh việc chia sẻ, cập nhật các quy định liên quan đến thương mại điện tử, các chuyên gia pháp lý cũng đã cung cấp những thông tin và hướng dẫn cần thiết cho các doanh nghiệp mong muốn triển khai hình thức kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt là chỉ ra những rủi ro pháp lý, biện pháp phòng ngừa các rủi ro pháp lý khi thực hiện hoạt động thương mại điện tử.