Hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu

- Thứ Năm, 17/06/2021, 14:43 - Chia sẻ
Các bộ, ngành, địa phương ưu tiên giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý; xác định đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong hành động. Đây là kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại dự thảo Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm đang lấy ý kiến.
Doanh nghiệp gặp khó khăn hơn bao giờ hết do dịch Covid-19. Nguồn ITN
Doanh nghiệp gặp khó khăn hơn bao giờ hết do dịch Covid-19
Nguồn ITN

Khó khăn hơn bao giờ hết

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đã tạo nên sự xáo trộn lớn và có tác động rất tiêu cực đến phát triển kinh tế nói chung, trong đó cộng đồng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Các doanh nghiệp Việt Nam với sức cạnh tranh còn thấp, chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm trên 94%) càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, có tới 81% doanh nghiệp khó khăn do không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng; 72% gặp khó trong bảo đảm tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn; 53% gặp khó khăn về trả lãi vay ngân hàng (cả gốc và lãi); 45% gặp khó trong chi trả tiền điện, nước, nhiên liệu đầu vào…

Còn theo khảo của sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại 10.200 doanh nghiệp trên toàn quốc trong năm 2020 về tác động của Covid-19 cho thấy, 87,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ có 11% cho rằng “không bị ảnh hưởng gì” và 2% ghi nhận “hoàn toàn tích cực”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2020, cả nước có hơn 811.500 đang hoạt động, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số doanh nghiệp gia nhập thị trường là hơn 179.000, tăng 0,83%, như vậy trung bình mỗi tháng có hơn 14.900 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

5 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 55.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, ở chiều ngược lại có tới hơn 59.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 23%. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Rõ ràng, dịch Covid-19 vẫn tác động khá nặng nề tới các doanh nghiệp.

Thực tế, từ năm ngoái đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp phản ánh chưa nhận được hỗ trợ, như vẫn phải chịu giá điện kinh doanh thay vì giá điện sản xuất, khó tiếp cận vốn ngân hàng… trong khi đó các chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển đều tăng cao. Đơn cử, giá container đi thị trường Trung Đông tăng từ 2.000 USD/container lên 10.000 USD/container.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chịu khó khăn, vướng mắc về cơ chế, quy định pháp luật chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, việc xử phạt vi phạm hành chính khi khai báo thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu theo Nghị định 128/2020/NĐ – CP lại không có sự phân biệt giữa xuất, nhập khẩu lần đầu hay nhiều lần, cố ý hay vô ý…

Cần xây dựng cơ chế đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động tại doanh nghiệp. Ảnh Đan Thanh
Cần xây dựng cơ chế đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động tại doanh nghiệp
Ảnh Đan Thanh

Không để tuỳ tiện áp dụng biện pháp phòng chống dịch

Tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 12 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, để doanh nghiệp từng bước khôi phục, thời gian tới, các bộ ngành và địa phương cần khẩn trương rà soát, sửa đổi một số quy định, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ quá khắt khe, không phù hợp với thực tế như có trên 50% lao động mất việc làm, lao động nghỉ việc 01 tháng… Các quy định cần được xây dựng rành mạch và có tính thực tế, theo hướng xác định đúng và trúng đối tượng thụ hưởng, điều kiện tiếp cận và thủ tục nhanh gọn hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục kéo dài việc thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp hết năm 2021; khẩn trương bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, đặc biệt là các chính sách thuế như miễn, giãn, hoãn, khoanh thuế cho doanh nghiệp.

Cụ thể, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho doanh nghiệp; giảm tối thiểu 50% các khoản nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020 cho doanh nghiệp và xem xét tiếp cho năm 2021; tiếp tục giảm thuế trước bạ ô tô… Cho phép doanh nghiệp được giãn đóng phí công đoàn 2% hoặc giảm còn 1% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn vốn hoặc doanh thu bị hạn chế.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí đầu vào, giảm thiểu dòng tiền ra của doanh nghiệp như xem xét giảm giá điện, nhất là trong ngành du lịch và logistics; rà soát, sửa đổi các chính sách mới ban hành làm tăng chi phí của doanh nghiệp, trong đó có việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP Hồ Chí Minh dự kiến áp dụng từ ngày 1.7 tới.

Mặt khác, có giải pháp hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp vay thông qua ngân hàng từ nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực tài chính cần thiết, mở rộng đối tượng cho vay của Quỹ.

Chính phủ cũng nên xây dựng và triển khai thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19 thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm thông tin chính xác, minh bạch; chống dịch nhưng không gây hoang mang dư luận. Các tỉnh, thành phố không được tuỳ tiện áp dụng các biện pháp chống dịch, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lưu thông và tiêu thụ hàng hoá.

Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng cơ chế đẩy mạnh quá trình tiêm vaccine cho người lao động tại doanh nghiệp. Theo đó, cho phép doanh nghiệp tham gia tổ chức tiêm phòng cho nhân viên theo đúng hướng dẫn và yêu cầu an toàn của Bộ Y tế, đồng thời cho phép doanh nghiệp, tư nhân được chủ động đàm phán mua vaccine với các đơn vị cung ứng trên toàn cầu, căn cứ trên danh mục vaccine mà Bộ Y tế chấp thuận...

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đan Thanh