Hỗ trợ doanh nghiệp để giữ việc làm

- Thứ Hai, 21/06/2021, 08:04 - Chia sẻ
Quý I năm nay cả nước có 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực về việc làm do dịch Covid-19. Đợt dịch lần thứ 4 khiến số lao động thiếu việc làm tăng mạnh bởi doanh nghiệp ở nhiều địa phương chủ động cắt giảm lao động và chi phí hoạt động trong bối cảnh khó khăn.

Doanh nghiệp lớn cũng rời thị trường

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Đáng chú ý, số doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh.

Kết quả khảo sát hơn 10.000 doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tiến hành cho thấy, có 87,2% doanh nghiệp tại bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, năm 2020 số doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục với 100.000 doanh nghiệp. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là khối doanh nghiệp mới hoạt động. Làn sóng Covid-19 cản trở doanh nghiệp trong việc tiếp cận, mở rộng tệp khách hàng, đồng thời bị mất cân đối dòng tiền, đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất, nguồn nhân lực lao động giảm. Khối doanh nghiệp lớn cũng cắt giảm lao động bởi tình hình kinh doanh không khả quan. Ước tính chung, khoảng 30% số lao động phải nghỉ việc trên một doanh nghiệp. Con số này ở doanh nghiệp tư nhân tăng 2%, còn với doanh nghiệp FDI là khoảng 17%.

Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy vậy, các chính sách chưa tới được với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tiếp cận chính sách vay tín dụng lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Vì vậy dư địa để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ vẫn còn rất nhiều, cần có nhiều giải pháp hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

 Ảnh: Văn Anh

Bám sát thực tiễn, từng bước tháo gỡ

Ngày 14.6 vừa qua, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi và dập dịch triệt để; thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân. Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Công ty CP Sunpla, chuyên sản xuất khuôn mẫu và linh kiện nhựa ở Bắc Giang cho hay: nhằm hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi của người lao động, công ty ông cũng như nhiều doanh nghiệp khác sẽ trả 75% lương cho người lao động dù dừng sản xuất.

Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang Nguyễn Xuân Ngọc cho biết, thời điểm hiện tại, mặc dù tỉnh Bắc Giang đã chấp thuận cho hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trở lại nhưng người lao động vẫn còn tâm lý e ngại khi quay lại nhà máy. Quy định của Bắc Giang hiện nay yêu cầu khi hoạt động trở lại doanh nghiệp phải bố trí được nơi ăn, ở và sinh hoạt cho công nhân ngay tại nhà máy hoặc ký túc xá. Chủ trương bố trí chỗ lưu trú cho người lao động ngay tại doanh nghiệp được coi là giải pháp chưa có tiền lệ để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa sản xuất.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, bên cạnh các giải pháp trước mắt đã được ban hành như miễn, giảm, giãn thời hạn thuế, giảm lãi suất..., Chính phủ cần có những giải pháp dài hạn như tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi.

Cùng với đó, cần phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng hình thành các chuỗi cung ứng Việt. Quan trọng hơn, phần lớn các doanh nghiệp đề nghị cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.

Chính phủ đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp, ngành giải quyết những vấn đề đặt ra, bảo đảm nắm chắc thực tế để đưa ra quyết sách kịp thời. Cùng với đó, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, tiết giảm tối đa chi thường xuyên; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài phù hợp…

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại đang được cơ quan chức năng đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu Phan Đăng Đương thông tin: Thương vụ đã triển khai hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Trong đó tập trung quảng bá cho các ngành hàng được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) như trái cây, thủy sản, gạo, cà phê, dệt may, da giày.

Văn Anh

_________________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)