Hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp vay trong một số lĩnh vực ưu tiên

- Thứ Năm, 11/11/2021, 17:30 - Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) chất vấn, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạch định phát triển kinh tế  - xã hội và đặc biệt để thực hiện thành công mục tiêu kép, đại biểu rất đồng tình với chương trình phục hồi kinh tế sau dịch như Bộ trưởng vừa nêu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, đề nghị Bộ trưởng cho biết những chính sách và giải pháp cụ thể để phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới có hiệu quả?

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) chất vấn

Ảnh: Quang Khánh 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để thực hiện mục tiêu trên Bộ đã xây dựng 5 nhóm giải pháp như sau:

Thứ nhất, tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch và thực hiện Nghị quyết 128 một cách thắt chặt an toàn, có lộ trình phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch và khả năng tiêm vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Tăng tính chủ động cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động liên tục.

Thứ hai, tập trung hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm, theo đó hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động, chính sách dạy nghề, nhà ở xã hội...

Thứ ba, hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp. Vừa qua, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tổn thương rất nhiều và khả năng chống chịu đã bị bào mòn rất nhiều, đặc biệt và một số lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ. Về các chính sách chung, Bộ sẽ xem xét để trình Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền để cho phép kéo dài các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí. Bên cạnh đó, hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp vay trong một số lĩnh vực ưu tiên, có một số các chính sách riêng đối với ngành và lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số...

Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích PPP để thực hiện các hạ tầng này; đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược và những công trình trọng điểm quốc gia mang tính động lực lớn lan tỏa, kết nối để phát triển bền vững trong thời gian tới, công trình an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, ứng phó với biến đổi...

Thứ năm, tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và đi kèm với đó phải có chính sách về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Xuân Tùng