Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật:

Hỗ trợ, bảo vệ người dân trước mọi nguy cơ yếu thế

- Thứ Năm, 29/10/2020, 06:53 - Chia sẻ
Tại phiên thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại trước thực tế một số loại tội phạm nghiêm trọng có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp, gây phẫn nộ trong dư luận xã hội. Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh phải tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ và bảo vệ người dân trước mọi nguy cơ yếu thế.

Tội phạm nghiêm trọng gia tăng

Nhận định về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, năm 2020 mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, thu được nhiều kết quả tích cực. 

Tuy nhiên, các ĐBQH cũng bày tỏ lo ngại khi một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng. ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nêu rõ, tình hình tội phạm đối với trẻ em, nhất là tội hiếp dâm trong nhóm các tội xâm hại tình dục tăng đáng kể. Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tội phạm hiếp dâm trẻ em tăng hơn 30%, chiếm tỷ lệ rất lớn trong số các tội phạm hiếp dâm. Các hành vi như cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em cũng có dấu hiệu gia tăng. Đây là những con số rất đáng suy nghĩ bởi loại tội phạm, hành vi này không chỉ xâm phạm về an ninh trật tự, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ em.

Bên cạnh đó là các hành vi hành hạ, ngược đãi cha mẹ. Những vụ án để lại hình ảnh gây phẫn nộ trong dư luận như con gái đánh rồi đổ rác lên đầu mẹ của mình, hay con trai và con dâu đánh người mẹ đã 88 tuổi của mình. Dẫn chứng những câu chuyện đau lòng này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, ở đây không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự băng hoại về đạo đức, cho thấy những vấn đề cấp báo trong một bộ phận gia đình Việt Nam đòi hỏi phải có giải pháp.

Ông Hiểu cũng đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm để ra Nghị quyết về việc tăng cường công tác giáo dục đạo đức, truyền thống gia đình Việt Nam. “Chúng ta có thể đạt được rất nhiều thành tựu kinh tế, nhưng khi những giá trị đạo đức, giá trị gia đình Việt Nam, hồn cốt Việt Nam không được bảo vệ, không được phát huy thì đó là điều rất đáng suy nghĩ”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói. 

Pháp luật không bảo hộ kiểu làm ăn với “lãi suất cắt cổ”

Một vấn đề khác được ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đề cập là, tội phạm về “tín dụng đen” và sự lộng hành của nhóm đòi nợ thuê đang ngày càng diễn biến phức tạp. Những hoạt động trái pháp luật này không chỉ gây sợ hãi cho một cá nhân, gia đình, dòng họ, mà có khi còn gây náo loạn, mất an ninh, trật tự cả khu phố, thôn, xóm vào bất kỳ thời gian nào trong ngày. Thực tế, kiểu đòi nợ theo hình thức xã hội đen đã được phản ánh nhiều trên báo chí.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên)

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền tin rằng, không có điều khoản nào cho phép một dịch vụ kinh doanh với hình thức mang tính chất bất nhân, bất lương. Không có pháp luật nào lại bảo hộ cho kiểu kinh doanh làm ăn với lãi suất cắt cổ người dân. Thế nhưng, trước khi dịch vụ này chính thức bị "khai tử" khi Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thì sự biến tướng của dịch vụ đòi nợ thuê cho thấy hiện thực không mấy tốt đẹp…

Tương tự các dịch vụ tín dụng đen, loại hình tội phạm thông qua kinh doanh đa cấp trái luật tiếp cận với người dân thông qua app điện thoại, internet cũng hết sức dễ dàng. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho biết thêm, tưởng chừng như tín dụng đen hay kinh doanh đa cấp đã chủ động gõ cửa từng nhà, đặt dịch vụ vào tay từng người dân bằng hàng trăm app điện thoại không thể kể hết tên với thủ tục, điều kiện cho vay vô cùng đơn giản, với lời mời chào, hứa hẹn đầy nhân ái, tốt đẹp như quăng “chiếc phao cứu người đuối nước”, để rồi chưa kịp bơi vào bờ đã thành “nạn nhân đuối nước” từ chính chiếc phao cứu sinh này.

Để có cơ sở cho cơ quan điều tra vào cuộc, người dân phải làm đơn tố cáo. Nhưng cái khó của nạn nhân như đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nêu ra là không biết đơn vị nào cho vay đứng sau, thậm chí không biết kẻ khủng bố, đe dọa mình là ai, thuộc công ty thu hồi nợ nào. Dư luận xã hội và cử tri đặt câu hỏi: Tại sao sự biến tướng chứa đựng nhiều rủi ro về mặt pháp lý từ các dịch vụ tín dụng đen hay app đa cấp này vẫn ngang nhiên diễn ra, tồn tại trong đời sống xã hội? Phải chăng năng lực quản lý của chính quyền, của cơ quan chức năng yếu kém hay vì lý do gì mà nhắm mắt ngó lơ? Tại sao một người dân bình thường hiểu biết công nghệ, nhận thức pháp luật còn hạn chế vẫn có thể tiếp cận được các app tín dụng đen dễ dàng, còn cơ quan chức năng với điều kiện, biện pháp nghiệp vụ, công cụ quản lý hỗ trợ đắc lực lại không thể quản lý và kiểm soát được (?).

Thay mặt cử tri, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền bày tỏ nguyện vọng, những hành vi nguy hiểm này phải có sự vào cuộc quyết liệt, xử lý mạnh mẽ từ các cơ quan bảo vệ pháp luật và Quốc hội phải tham gia giám sát, bởi động tới sinh mạng con người, ép họ đi đến đường cùng thì nhất định pháp luật không thể bỏ qua. Các hiện tượng, hành vi có dấu hiệu lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản đang dần bộc lộ rõ bộ mặt thật từ dịch vụ đen thời gian qua, thay vì chờ người dân tố cáo, nếu cơ quan chức năng thật sự vào cuộc, chúng ta vẫn có đủ cơ sở pháp lý để làm rõ trách nhiệm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh liên quan.

Nguyên tắc có nợ thì phải trả nhưng xử lý và giải quyết như thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật, có tính khả thi thì không phải ai cũng đủ nhận thức để thực hiện. Không phải tự nhiên mà các nạn nhân tự tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời. Đó là sự lựa chọn của những người bị dồn vào bế tắc, là sự sợ hãi đến tột cùng của những nạn nhân và gia đình nạn nhân vì nhiều lý do mà vướng phải nợ nần từ tín dụng đen.

Suy cho cùng là vì trách nhiệm quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực liên quan chưa thật sự tốt và hiệu quả để quản lý xã hội, để hỗ trợ và bảo vệ người dân trước mọi nguy cơ yếu thế. Nếu im lặng, làm ngơ chẳng khác gì đồng lõa, nếu bao che hay can thiệp bằng “bàn tay quyền lực” đối với những người đã lên tiếng thì chẳng khác gì “bảo kê”, đều là hành động vô cảm và nhẫn tâm, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.

"Tôi kiến nghị các cơ quan chức năng quản lý nhà nước tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhận diện các phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen, nhằm cảnh tỉnh người dân phải hết sức tỉnh táo khi tiếp cận những dịch vụ cho vay một cách quá dễ dàng như hiện nay. Nếu để loại hình này tồn tại kéo dài và công tác điều tra, xử lý quá chậm trễ sẽ khiến cho lòng tin của người dân suy giảm, tạo nghi ngờ trong dư luận xã hội về sự tiếp tay, bao che của tập đoàn tài chính này hay thế lực ngầm nào khác chống lưng. Đồng thời, nếu không dùng pháp luật để điều chỉnh thì sẽ còn rất nhiều gia đình rơi vào cảnh tan cửa, nát nhà".

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên)

Anh Thảo