Hộ kinh doanh cần chính sách chuyên biệt để phục hồi

- Thứ Bảy, 16/10/2021, 05:53 - Chia sẻ
Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ và chuyên biệt hơn để giúp hộ kinh doanh phục hồi sau dịch bệnh. Đây là đề xuất của chuyên gia kinh tế tại hội thảo công bố nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) về hộ kinh doanh sáng 15.10
Các diễn giả tham dự hội thảo.
Nguồn: ITN

Khó tiếp cận tín dụng

Phó Viện trưởng VEPR Nguyễn Quốc Việt cho biết, Việt Nam có khoảng 5,3 triệu hộ kinh doanh, đóng góp 30% GDP, tạo ra hơn 9 triệu việc làm trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, chỉ khi xuất hiện hoàn cảnh đặc biệt thì các hộ kinh doanh mới nhận được sự chú ý và những gì dành cho họ vẫn chỉ là những chính sách ngắn hạn. Ví dụ, gần đây hộ kinh doanh mới được thêm vào diện được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Gần 2 năm qua, các hộ kinh doanh chịu tổn thương nặng nề do dịch Covid-19. Theo nghiên cứu của VEPR, hộ kinh doanh gặp nhiều rào cản trong tiếp cận tín dụng. Đa phần hộ kinh doanh cho rằng, chính sách hỗ trợ tín dụng mới tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, còn các lĩnh vực khác chưa có hỗ trợ cụ thể. Họ cũng chỉ có thể tiếp cận tín dụng nếu có tài sản bảo đảm, chủ yếu là quyền sử dụng đất, nhà ở. Trong khi đó, giá trị được vay trên giá trị tài sản bảo đảm lại rất thấp, thời hạn cho vay ngắn, thủ tục vay vốn của các ngân hàng còn rườm rà. Các hộ kinh doanh cho rằng, nếu Nhà nước có các chính sách hỗ trợ, họ tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, họ sẽ có thêm nguồn vốn để hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và mở rộng sản xuất, kinh doanh sau khi đại dịch qua đi.

Những năm gần đây, Nhà nước ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhóm hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp nhưng kết quả không mấy khả quan và không được các hộ kinh doanh đón nhận. Ông Việt cho rằng, có những nhược điểm cố hữu khiến hộ kinh doanh khó vươn lên, chuyển sang mô hình “chính thống” hơn, đặc biệt là hơn 60% lực lượng lao động của hộ kinh doanh là lao động không có kỹ năng. Do đó, Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ và chuyên biệt hơn để giúp họ hồi phục.

Không nên bắt hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thu Thùy cho rằng, do vấn đề quản lý thuế với hộ kinh doanh không còn phù hợp nên đâu đó vẫn có sự thỏa thuận giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế. Cùng với đó, khi chuyển sang doanh nghiệp, nhiều thủ tục phức tạp và tạo ra nhiều chi phí hơn nên nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi. Bà Thùy cho rằng, giai đoạn tới không nên bắt buộc các hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp mà để họ tự nhận thức được lợi ích việc chuyển đổi để kinh doanh một cách chuyên nghiệp hơn. Quyền lợi và nghĩa vụ phải song hành với nhau dù bất cứ hình thức kinh doanh nào thì mới có thể bền vững được - bà Thùy nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV nói rõ hơn: Giải pháp quản lý các doanh nghiệp với quy mô, đặc thù khác nhau phải khác nhau. Để tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phục hồi và phát triển, tốt nhất là có những Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội với những tiêu chí rõ ràng ngay từ khâu tham gia thị trường cho đến toàn bộ quá trình hoạt động sau này, từ tiếp cận vốn cho đến thuế khóa, chuyển đổi số… Đặc biệt, khâu đăng ký thành lập doanh nghiệp hiện nay đã tinh giản rất nhiều nhưng cần tiếp tục thiết kế đơn giản hơn nữa. Sau khi các hộ kinh doanh đăng ký thành doanh nghiệp siêu nhỏ, phải hỗ trợ ít nhất 3 năm đầu về thuế suất; giúp họ tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ kỹ năng quản lý, phần mềm để quản lý doanh nghiệp của mình. TS. Cấn Văn Lực cũng gợi ý các hộ kinh doanh nên tham gia vào các hiệp hội hiện có để có người đại diện pháp lý khi cần, cũng như tận dụng được nhiều ích lợi từ việc “buôn có bạn, bán có phường”…

Còn theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, nên thể chế hóa hộ kinh doanh bằng luật. Đồng thời, phải thay đổi tư duy chính sách, giảm thiểu những bất hợp lý mà hộ kinh doanh phải chịu trong quá trình tuân thủ pháp luật về đầu tư kinh doanh; khuyến khích họ kinh doanh chuyên nghiệp hơn.

Quang Khánh