“Hộ chiếu vaccine” có thực sự cần thiết?

- Thứ Tư, 03/03/2021, 06:29 - Chia sẻ
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vừa thông tin trên tài khoản Twitter của bà rằng, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đề xuất cấp một loại chứng nhận có tên là Thẻ xanh kỹ thuật số cho phép những người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 được đi lại tự do hơn, giúp họ di chuyển an toàn trong EU hoặc nước ngoài để làm việc hay du lịch.

Vẫn chưa hết tranh cãi

Thông báo này diễn ra sau tranh luận căng thẳng tại cuộc họp trực tuyến tuần trước, vốn gây chia rẽ sâu sắc giữa các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên khối liên minh lá cờ xanh. Phó Chủ tịch EC Margarittes Schinas cho biết, theo kế hoạch, dự luật về Thẻ xanh kỹ thuật số của EC sẽ được trình Nghị viện châu Âu (EP) vào ngày 17.3, sau đó sẽ được đưa lên lãnh đạo EU thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 25.3. Thẻ xanh kỹ thuật số của EU tương tự như chứng nhận bằng giấy hoặc bằng bản mềm trên điện thoại mà Israel đang sử dụng, cho phép chủ nhân của nó được vào các khu vui chơi giải trí, các trung tâm thể thao và nhà hàng, phòng gym, đi xem hòa nhạc và tới khách sạn…

	Nguồn: Sky news
Nguồn: Sky news

Hiện nay, với sự xuất hiện của biến thể mới, tình hình dịch Covid-19 ở châu Âu đang nghiêm trọng trở lại và phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3, khiến nhiều ngành kinh tế đã khó càng thêm khó. Vì vậy, không ít quốc gia ủng hộ sáng kiến trên, cho rằng đây là “lối thoát” cho ngành du lịch và hàng không đang gặp khó khăn. Trong khi đó, số ít quốc gia khác lại bày tỏ lo ngại khi hiện chỉ một tỷ lệ nhỏ dân số trên thế giới được tiêm chủng. Cộng hòa Síp, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển là những quốc gia thuộc EU và Schengen đã tuyên bố có kế hoạch giới thiệu “giấy thông hành vaccine”, hoặc có kế hoạch cho phép nhập cảnh không hạn chế đối với những người có giấy tờ đó, cũng như thể hiện sự ủng hộ đối với loại chứng nhận này cho đến nay.

Các quốc gia phụ thuộc vào du lịch như Hy Lạp (du kịch chiếm 1/5 nền kinh tế, và 1/5 lao động trong nước làm việc tại lĩnh vực này) đặc biệt ủng hộ “hộ chiếu vaccine” để giúp cứu vãn mùa du lịch hè, trong khi những quốc gia khác, dẫn đầu là Pháp và Đức, tỏ ra cảnh giác với khả năng phân biệt đối xử giữa những người châu Âu đã tiêm chủng và không tiêm chủng, cũng như khả năng vi phạm bảo vệ dữ liệu cá nhân. “Trong tương lai, chắc chắn sẽ rất tốt nếu có chứng nhận này, nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ những người có hộ chiếu như vậy mới có thể đi du lịch”, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sau cuộc họp tuần trước. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không muốn những người trẻ, đối tượng hiện chưa được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19, bị phân biệt đối xử.

Các nước trên cho rằng việc cung cấp chứng nhận tiêm chủng là quá sớm khi tỷ lệ dân số châu Âu được tiêm rất ít, trong khi các loại vaccine được EU phê chuẩn đến nay đều yêu cầu phải tiêm hai liều mới hiệu quả. Họ lo ngại, nếu coi đó là “hộ chiếu vaccine” thì đa phần người dân đang chờ đến lượt tiêm phòng sẽ tiếp tục bị hạn chế hoạt động. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic phản đối ý tưởng cấp “hộ chiếu vaccine”, cho rằng nó là “vô nghĩa” và “phản châu Âu” vì sẽ gây ra sự phân biệt đối xử.

Liệu có thực sự hiệu quả?

Nỗ lực tiêm chủng ở EU nhìn chung đã có khởi đầu chậm chạp. Thực tế, mặc dù EC vẫn đặt mục tiêu 70% số người lớn trong khối được tiêm chủng vào giữa tháng 9 tới, nhưng cho tới nay tổng số được tiêm vẫn đang dưới 10%. Nếu tính rộng hơn, mới chỉ có 5% dân số của khối được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Nhưng theo ông Christian Wigand, người phát ngôn của EC, các giấy chứng nhận sẽ vượt ra ngoài tình trạng tiêm chủng để bao gồm cả tiền sử y tế rộng hơn của chủ sở hữu liên quan đến virus. Vì vậy, hôm đầu tuần ông cho biết, “chúng tôi cũng sẽ xem xét các loại thông tin khác để tránh sự phân biệt đối xử công dân, chẳng hạn như kết quả kiểm tra y tế và tuyên bố về tình trạng hồi phục”.

Theo EC, việc thiết lập hệ thống và cấp chứng nhận sẽ mất ít nhất ba tháng. Không rõ những bước lập pháp và kỹ thuật nào sẽ được yêu cầu, cũng như liệu hệ thống có mở rộng ra ngoài công dân EU hay không. Theo EC, cần tìm cách cách mở rộng quy mô toàn cầu, với sự hợp tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhưng khi được hỏi cho biết thêm chi tiết, ông Wigand đã yêu cầu “một chút kiên nhẫn”, giải thích rằng “tất cả đều rất mới mẻ”.

Mặc dù được đánh giá có thể đạt hiệu quả cao, song “hộ chiếu vaccine” Covid-19 chưa nhận được sự ủng hộ WHO. Cơ quan y tế này cho rằng, hiện chưa phải thời điểm để áp dụng sáng kiến trên bởi hiệu quả tiêm chủng chưa được khẳng định trong việc đẩy lùi dịch bệnh, cũng như nguồn cung vaccine còn hạn chế. Hơn nữa, khi đa phần dân số tại một quốc gia đã được tiêm vaccine Covid-19, câu hỏi đặt ra là chi phí về mặt xã hội và kinh tế của “hộ chiếu vaccine” có xứng đáng với mức giảm lây nhiễm rất ít mà nó mang lại khi đó? Nếu tiêm phòng giúp kiểm soát được tỷ lệ lây nhiễm rồi, thì “hộ chiếu vaccine” có còn cần thiết nữa hay không?

Thái Anh