Hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung

- Thứ Năm, 17/06/2021, 07:23 - Chia sẻ
Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với nhóm sản phẩm chủ lực; khai thác tận dụng tốt lợi thế về phát triển nông nghiệp, xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Về trồng trọt, trên cơ sở khảo sát đánh giá lại chất lượng đất nông nghiệp, tỉnh tiếp tục rà soát điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương, đặc biệt chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và giảm quy mô diện tích một số cây trồng hiệu quả kinh tế không cao (điều, cao su, mía, cà phê..). Trong đó chuyển đổi 3.054,14 ha đất trồng lúa và chuyển 1.850 ha cây lâu năm sang cây ăn trái.

Đồng Nai đã chuyển đổi 3.054,14 ha đất trồng lúa sang cây ăn trái. Nguồn: ITN
Đồng Nai đã chuyển đổi 3.054,14 ha đất trồng lúa sang cây ăn trái.
Nguồn: ITN

Đẩy mạnh việc ứng dụng và nhân rộng mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, giống đặc sản của địa phương, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật; giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sâu bệnh. Xây dựng sản phẩm nông nghiệp có tiêu chuẩn, nhãn hiệu; xây dựng mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu; khẩn trương số hóa cơ sở dữ liệu về ngành trồng trọt.

Về chăn nuôi, ổn định tổng đàn đối với đối tượng vật nuôi chủ lực là lợn và gà. Sản xuất chăn nuôi theo quy trình VietGAP, an toàn dịch bệnh, sử dụng phần mềm quản lý chăn nuôi để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sản xuất dưới các hình thức hợp tác, thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở sản xuất và đơn vị thu mua, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, trong đó chú trọng duy trì và mở rộng chuỗi xuất khẩu thịt gà, chuỗi cung ứng vào siêu thị, chợ, bếp ăn tập thể, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, chuỗi vào Tp. Hồ Chí Minh. Phát triển chăn nuôi tập trung trang trại kín áp dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, giảm tiêu tốn thức ăn, giảm chi phí phòng chống dịch bệnh để hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường;

Về thủy sản, tỉnh tiếp tục duy trì 14 vùng nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, phát triển thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Chú trọng phát triển các đối tượng thủy sản chủ lực của tỉnh như cá, tôm, chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm nuôi trồng thủy sản nước ngọt và dịch vụ cung ứng giống thủy sản. Nâng cao năng lực công tác quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản để kịp thời cảnh báo đến người nuôi. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản quảng bá, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm theo quy định. Hỗ trợ giới thiệu xúc tiến thương mại trong nước, tham gia vào siêu thị, chợ đầu mối.  

Triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ, trong năm 2021, Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới toàn diện trên tất cả các mặt, theo hướng ổn định và bền vững. Gắn chặt xây dựng nông thôn mới với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm, chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành. Cụ thể, tập trung nguồn lực đối với một số chính sách quan trọng như sản xuất nông nghiệp hữu cơ; khuyến nông; ngành nghề nông thôn; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đề án mỗi xã một sản phẩm; đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel; đề án phát triển nông nghiệp đô thị Tây Nam; phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 – 2030…

Mặt khác, phối hợp các ngành, địa phương rà soát các chính sách đã hết hiệu lực năm 2020 để đề xuất tổng kết, bãi bỏ, điều chỉnh bổ sung trong giai đoạn tới và kịp thời tham mưu cụ thể hóa các quy định, chính sách của trung ương. Cụ thể, chương trình phát triển nông nghiệp bền vững 2021 - 2025; chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2030; đề án phân tích lý hóa đất trồng lúa; đề án hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề; đề án phát triển giống nông lâm thủy sản; đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; chính sách hỗ trợ di dời chăn nuôi; kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược quốc gia đối với từng lĩnh vực.

Thảo Tâm