Hình thành thói quen khai báo y tế và quét mã QR cho người dân

- Thứ Sáu, 08/10/2021, 06:14 - Chia sẻ
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm, việc nới lỏng giãn cách phải đi kèm các biện pháp, trong đó áp dụng công nghệ là biện pháp quan trọng nhất. Với giải pháp quét mã QR, trong trường hợp xảy ra ca F0 ở địa điểm nào đó, cơ quan chức năng có thể truy vết các trường hợp F1 với thời gian rất nhanh. Tuy nhiên, để việc quét mã QR đạt hiệu quả thực chất, cần sự hợp tác của các cơ quan, đoàn thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ, và còn từ chính ý thức của người dân.

Chưa thực chất, đồng bộ

Trong các văn bản của thành phố cũng như trong các cuộc hợp Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 gần đây, lãnh đạo thành phố, đặc biệt là Ban Thường vụ Thành ủy đã có định hướng, chỉ đạo khi nới lỏng giãn cách, người dân đến các điểm công cộng phải quét mã QR để khai báo y tế.

	Để thực hiện tốt việc kiểm soát dịch bệnh, môi người dân cần tự giác khai báo y tế và quét mã QR tại các địa điểm (Nguồn: ITN)
Để thực hiện tốt việc kiểm soát dịch bệnh, môi người dân cần tự giác khai báo y tế và quét mã QR tại các địa điểm
Nguồn: ITN

Việc này thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện phải vào cuộc quyết liệt để đồng bộ các giải pháp. Sở TT&TT cũng đã có văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng PC-Covid; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhắc nhở, yêu cầu người dân khi ra vào cơ quan, tổ chức, công sở, các địa điểm công cộng cần thực hiện nghiêm việc quét mã QR.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại một số quận, huyện, nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh mặc dù đã treo mã QR trước cửa hàng nhưng không kiểm soát được việc quét mã của khách hàng. Theo nhiều chủ hàng lí giải mặc dù đã nhắc nhở nhưng vì lượng khách quá đông, không thể kiểm soát cũng như nhắc nhở hết khách hàng quét mã QR code.

Tình trạng người mua phớt lờ quy định quét mã QR cũng diễn ra tại chợ Hà Đông. Tại khu vực cổng vào của chợ, có dựng biển thông báo yêu cầu quét mã trước khi vào và có nhân viên Ban Quản lý chợ trực chốt nhắc nhở, hướng dẫn, ghi chép khai báo y tế khá nghiêm túc. Tuy nhiên, tại khu vực cổng ra và các cửa phụ của chợ, mặc dù có biển thông báo và mã QR, song rất ít người ra vào chợ tự giác quét mã. Theo một người mua hàng, vì không có điện thoại thông minh nên khi được nhắc nhở thì sẽ khai báo trên giấy, nếu không thì cũng sẽ bỏ qua.

Cần hình thành thói quen

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, thành phố kiên quyết xử lý vi phạm với những cơ sở kinh doanh dịch vụ không có mã QR, vi phạm các quy định phòng, chống dịch. Sự quyết liệt này nhằm giúp chúng ta bảo toàn thành quả chống dịch tính đến thời điểm hiện tại và ngăn chặn những đợt bùng phát diện rộng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước cũng như sự an toàn và đời sống của Nhân dân.

Tuy nhiên, để việc thực hiện quét mã QR đạt hiệu quả thực chất, rất cần sự hợp tác không chỉ của các cơ quan, đoàn thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ mà còn từ chính ý thức của người dân. Vì vậy, UBND thành phố kêu gọi người dân ngoài việc khai báo qua tờ khai y tế nếu có biểu hiện ho sốt khó thở thì khi đến các điểm công cộng hay các nhà hàng, siêu thị phải quét mã QR để phục vụ công tác truy vết, phòng chống dịch Covid-19 của thành phố.

Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND thành phố đã quy định rõ các quận, huyện, thị xã phải triển khai nghiêm túc, tăng cường giám sát, hậu kiểm, xử lý các trường hợp vi phạm; nhất là tại các trung tâm thương mại, cửa hàng, dịch vụ trong trung tâm thương mại chỉ được hoạt động theo đúng danh mục tại Chỉ thị và bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, phải có quét mã QR. Đối với trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ… trên địa bàn quản lý không thực hiện tạo mã QR địa điểm, đã liên hệ nhắc nhở quá 3 lần vẫn không thực hiện thì phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi tạo xong QR địa điểm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. 

Anh Lương