Hiệu quả từ hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

- Thứ Bảy, 18/12/2021, 05:39 - Chia sẻ
Thời gian qua, mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ở Long An từng bước phát huy hiệu quả, trở thành “cầu nối” giữa nông dân và doanh nghiệp, góp phần ổn định đầu ra cho nông sản, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. Tuy nhiên, để giúp hợp tác xã nông nghiệp phát triển hiệu quả, cần phải có sự hỗ trợ từ các ngành chức năng.
Giải pháp phát triển “cầu nối” liên kết để tiêu thụ sản phẩm ổn định

Theo thống kê, toàn tỉnh Long An hiện có 225 hợp tác xã, trong đó có hơn 200 hợp tác xã nông nghiệp. Những năm gần đây, việc đổi mới, thành lập các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới có nhiều chuyển biến tích cực. Các hợp tác xã nông nghiệp đã làm tốt công tác tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Hiện tỉnh có 16 hợp tác xã điểm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tỉnh xây dựng 4 hợp tác xã điểm điển hình về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên lúa, rau, thanh long và bò thịt từ năm 2019 gồm: hợp tác xã Hưng Phú (huyện Vĩnh Hưng), hợp tác xã Nông nghiệp Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc), hợp tác xã Thanh long Dương Xuân (huyện Châu Thành) và hợp tác xã Chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông (huyện Đức Hòa). Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong các hợp tác xã nông nghiệp góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp và thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, người dân chưa mạnh dạn đầu tư, dẫn đến năng suất, sản lượng thấp, hiệu quả chưa tương xứng; trong khi doanh nghiệp đầu tư và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng có không ít người dân khi được thương lái trả giá cao hơn thì tự ý phá vỡ hợp đồng khiến cho doanh nghiệp mất niềm tin không muốn đầu tư vào các hợp tác xã nông nghiệp… Nhiều hợp tác xã cũng cho hay, dù các sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP, nhưng phần lớn sản phẩm do các thành viên sản xuất tự tiêu thụ qua thương lái, mà chưa có những hợp đồng tiêu thụ với đầu mối lớn, ổn định để các thành viên an tâm sản xuất. Nói cách khác, ngoài những khó khăn về nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực… đầu ra sản phẩm, khả năng ứng dụng công nghệ vào sản xuất cũng là vấn đề đặt ra với nhiều hợp tác xã nông nghiệp.

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc, giúp hợp tác xã nông nghiệp phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có sự hỗ trợ từ các ngành chức năng. Trong đó, ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ các địa phương triển khai thành lập các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới theo tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Liên minh hợp tác xã tỉnh bám sát việc thực hiện sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 để vận dụng cơ chế mới, tạo động lực phát triển cho các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các hợp tác xã thuê đất đầu tư kinh doanh, sản xuất; thực hiện các quy định ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí theo hướng thấp hơn mức áp dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, Liên minh hợp tác xã tỉnh phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, doanh nghiệp... hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, hội thảo giữa các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nhật Phương