Hiệu quả từ dự án chăn nuôi bò

- Chủ Nhật, 19/09/2021, 06:56 - Chia sẻ
Trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Sóc Trăng xác định, chăn nuôi bò là một trong những thế mạnh của tỉnh, đây là ngành nghề có nhiều đóng góp giúp đời sống các hộ dân nhất là hộ đồng bào dân tộc Khmer nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế.

Thoát nghèo từ nghề nuôi bò

Chăn nuôi bò được xem là nghề truyền thống gắn với vùng đồng bào dân tộc Khmer, những năm gần đây nghề nuôi bò đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân và gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, tổng đàn bò đạt 54.300 con, tăng 10.667 con so năm 2016, trong đó bò sữa đạt 9.600 con, sản lượng sữa 15.065 tấn. Đàn bò sữa của tỉnh Sóc Trăng được nuôi tập trung tại 5 huyện, thành phố gồm Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Châu Thành, thành phố Sóc Trăng. Toàn tỉnh có tổng diện tích trồng cỏ khoảng 2.300ha, đáp ứng được 50% nhu cầu thức ăn cho đàn bò.

Nghề nuôi bò tỉnh Sóc Trăng có nền tảng từ mô hình chăn nuôi bò sữa của Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn, huyện Trần Đề. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, lấy thịt, người dân ở đây đã từng bước chuyển lên phương thức chăn nuôi gia trại, khai thác sữa. Đến năm 2020 bình quân mỗi nông hộ nuôi từ 5 - 6 con bò sữa trở lên. Cơ cấu đàn cái sinh sản chiếm 60% và đàn cái vắt sữa chiếm 40% tổng đàn, năng suất sữa đạt 4.500 kg/con/chu kỳ, sản lượng sữa tươi đến cuối năm 2020 đạt 12.530 tấn/năm. Anh Thạch Minh Dương ở ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ, trước đây kinh tế gia đình cũng tương đối khó khăn, đến năm 2012 khi bắt đầu đến với nghề nuôi bò sữa, cuộc sống đã bắt đầu được cải thiện và ổn định. Từ 2 con bò sữa ban đầu, đến nay gia đình anh đã phát triển 10 con. So với thu nhập từ trồng màu và làm lúa, chăn nuôi bò sữa hiệu quả và bền vững hơn. Anh Lý Thành Thương cùng ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên cho biết, trước đây gia đình anh là một trong những hộ nghèo của xã đã được địa phương hỗ trợ vốn để nuôi bò. Sau 5 năm phát triển đàn bò, gia đình đã thoát nghèo. Hiện nay, anh Thương đang nuôi 5 con bò sữa và 3 con bê, trừ các khoản chi phí mỗi ngày cho thu nhập 300.000 đồng.

Chăn nuôi bò mang đến thu nhập ổn định cho người nông dân Sóc Trăng

Tập trung quy hoạch vùng chăn nuôi

 Dự án "Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025" bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tốt. Đến nay, tỉnh Sóc Trăng duy trì được 23 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi bò, mở nhiều lớp đào tạo nâng cao nguồn lực về gieo tinh nhân tạo bò cho khoảng 110 kỹ thuật viên. Thông qua dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn từ năm 2013 - 2020, người chăn nuôi bò sữa được trang bị kiến thức, kinh nghiệm theo hướng tăng quy mô, hình thành các nông hộ, trang trại chăn nuôi. Thị trường tiêu thụ sản phẩm sữa tươi ở Sóc Trăng cũng khá rộng, được các doanh nghiệp thu mua, chế biến cung cấp cho toàn quốc. Đây chính là động lực để phát triển chăn nuôi bò sữa trong những năm sau.
 Theo Giám đốc sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã, nghề chăn nuôi bò giúp người dân có việc làm và thu nhập ổn định, hạn chế tình trạng tha hương đến các địa phương khác. Đồng thời, chăn nuôi bò giúp tận dụng được nguồn phế phẩm rơm lúa để làm thức ăn cho đàn bò thịt. Đến nay có hơn 80% hộ nông dân sử dụng rơm, thân bắp, đọt mía, hèm rượu, hèm bia, rỉ mật đường để làm thức ăn cho bò. Ngoài ra hơn 140ha đất trồng cây kém hiệu quả cũng đã được chuyển sang trồng cỏ để có hiệu quả cao hơn.
Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã mang lại hiệu quả rất tích cực, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, từng bước hình thành nghề chăn nuôi bò sữa, bò thịt theo hướng VietGAP. Từ đó góp phần thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tới đây, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa các dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa cho người dân tại các địa phương có điều kiện thuận lợi, có chính sách phù hợp đối với đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc, các tổ hợp tác, hợp tác xã… trong việc phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chịu trách nhiệm cung cấp giống chất lượng, tập huấn hỗ trợ kỹ thuật, vốn sản xuất, chăn nuôi có quy hoạch từng vùng cụ thể, phù hợp với thổ nhưỡng để phát triển bền vững, hiệu quả, đồng thời sẽ nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong triển khai và phát triển dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt.

Trọng Linh