Hiệu quả thiết thực từ một nghị quyết giảm nghèo bền vững

- Thứ Tư, 25/11/2020, 09:06 - Chia sẻ
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 71/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lào Cai về việc ban hành mức hỗ trợ kinh phí cho các xã thuộc huyện Si Ma Cai thực hiện giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, cùng với triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương đã tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo, tổ chức, cá nhân được hưởng thụ chính sách thay đổi cách nghĩ, cách làm và làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo từ trên 42% năm 2016 giảm xuống còn 12% năm 2020; thu nhập bình quân/người tăng cao. Si Ma Cai là huyện vùng cao duy nhất không còn xã lõi nghèo.

Chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa có trọng điểm

Là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020, Si Ma Cai thuộc một trong 61 huyện nghèo nhất cả nước được thực hiện chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, trong đó 13/13 xã đều thuộc xã đặc biệt khó khăn. Để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện giảm nghèo bền vững, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Lào Cai Khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 71/2016/NQ-HĐND về việc ban hành mức hỗ trợ kinh phí cho các xã thuộc huyện Si Ma Cai thực hiện giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, từ năm 2016 - 2020, mỗi xã trên địa bàn huyện được ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 tỷ/năm thực hiện các dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Một góc chợ Sín Chéng, huyện Si Ma Cai - ảnh Lưu Hiên
Một góc chợ Sín Chéng, huyện Si Ma Cai
Ảnh Lưu Hiên

Từ năm 2016 - 10.2017, UBND huyện Si Ma Cai đã chỉ đạo UBND các xã thực hiện dự án “Ngân hàng bò”. Theo đó, mỗi năm, trên địa bàn huyện có từ 500 - 600 hộ nghèo được xét cấp cho vay bò; sau khi bò sinh sản, hộ nhận vay bò nuôi bê con đến khi đủ lớn sẽ được giao lại cho Trưởng thôn họp, xét chuyển cho hộ nghèo khác nuôi bê con, chủ hộ vay bò sẽ được hưởng con bò mẹ. Sau trên 2 năm triển khai thực hiện dự án, cùng với việc thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua Chương trình 135 và Nghị quyết 30a, số nghèo trên địa bàn các xã của huyện hàng năm đã giảm từ 5 - 6%.

Theo nguyện vọng của người dân thông qua giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, qua khảo sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, qua kiểm tra, phỏng vấn người dân và làm việc với UBND huyện của cơ quan chức năng cấp tỉnh, Dự án “Ngân hàng bò” được dừng lại để chuyển đổi sang hình thức triển khai mới. Vào cuối năm 2018, UBND tỉnh đã quyết định chuyển đổi hình thức thực hiện chính sách theo hình thức hỗ trợ trực tiếp cho cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông lâm nghiệp để thực hiện các dự án hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất đối với việc triển khai thực hiện các dự án phát triển chăn nuôi, trồng rau trái vụ, phát triển cây ăn quả ôn đới, phát triển cây dược liệu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trên cơ sở tổ chức, cá nhân có phương án sản xuất, kinh doanh được UBND huyện phê duyệt.

Trong đó, nguồn vốn 2 tỷ/xã/năm đã được UBND tỉnh chỉ đạo dành tối đa 500 triệu/xã/năm xây dựng các dự án mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp, còn 1,5 tỷ/xã/năm để cho tổ chức, cá nhân vay vốn và hỗ trợ lãi suất vốn vay thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Với việc chuyển đổi phương thức từ hỗ trợ trực tiếp cho người dân sang hỗ trợ cách thức làm ăn, kết hợp với cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất đã góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa có trọng điểm. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trồng rau trái vụ, chính vụ có hiệu quả cho người nông dân thu nhập ổn định; mô hình trồng cây ăn quả ôn đới; mô hình trồng cây tam thất được cho là loại cây khó trồng, cần nguồn vốn lớn cũng đã được một bộ phận người dân thực hiện có hiệu quả, cho thu nhập cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm tam thất Si Ma Cai để đưa ra thị trường.

Cơ bản đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 71/2016/NQ-HĐND, hàng năm luôn có sự giám sát của đại biểu HĐND các cấp. Thông qua giám sát, đại biểu HĐND các cấp đã ghi nhận kết quả đạt được và chỉ ra những bất cập, tồn tại, hạn chế để kiến nghị với UBND huyện Si Ma Cai tiếp tục chỉ đạo UBND các xã thực hiện có hiệu quả chính sách, hạn chế thất thoát, lãng phí ngân sách và hỗ trợ đúng đối tượng.

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 71/2016/NQ-HĐND, cùng với triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương theo Chương trình 135 và Nghị quyết 30a về thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi đã tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo, tổ chức, cá nhân được hưởng thụ chính sách thay đổi cách nghĩ, cách làm và làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo từ trên 42% năm 2016 giảm xuống còn 12% năm 2020, bình quân mỗi năm giảm trên 6%; thu nhập bình quân/người tăng cao, Si Ma Cai cũng là huyện vùng cao duy nhất không còn xã lõi nghèo. Các xã được coi là xã trên đặc biệt khó khăn như: Xã Nàn Sín, Thào Chư Phìn đều có các mô hình sản xuất, chăn nuôi hàng hóa, đời sống của Nhân dân không ngừng nâng cao. Các xã trung tâm cụm xã như: Sín Chéng, Cán Cấu đều có tỷ lệ giảm nghèo giảm sâu. Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã huyện đã thành lập thị trấn Si Ma Cai và còn 9 xã (giảm 3 xã). Các xã và thị trấn Si Ma Cai theo đánh giá của Đại hội Đảng bộ huyện Si Ma Cai lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến hết năm 2020 đã cơ bản thực hiện đạt mục tiêu về giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết số 22/NQ-TU, ngày 11.11.2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai.

Hà Thị Thiệp, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lào Cai