Hiểu đúng về bảo hiểm xã hội

- Thứ Hai, 13/12/2021, 05:24 - Chia sẻ
Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến hết tháng 11.2021, cả nước có hơn 791.300 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi người lao động bị ngừng việc, thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập nên phải chuyển từ khu vực chính thức sang lao động tự do, không tham gia bảo hiểm xã hội. Lý do nữa là một bộ phận người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết khó khăn trước mắt. Đặc biệt, việc rút bảo hiểm xã hội một lần còn có nguyên nhân từ thói quen của người lao động cho rằng nhận bảo hiểm xã hội là trợ cấp mất việc để giải quyết khó khăn, sau đó mới tính đến phương án tiếp tục tham gia trở lại khi có điều kiện.

Nhìn nhận tình trạng này ở góc độ khách quan, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, số người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng trong năm nay phản ánh đúng thực tế tỷ lệ mất việc làm và tình trạng này có thể tiếp diễn trong năm sau. Để giải quyết vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất sửa đổi một số quy định ưu tiên để người lao động ở lại hệ thống.
Cụ thể, người tham gia bảo hiểm xã hội được mua hoặc hỗ trợ mua nhà ở xã hội. Doanh nghiệp đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội sẽ được ưu đãi khi vay vốn, giảm tiền thuê đất... Ngoài ra, cũng có thể quy định người lao động chỉ được rút phần bảo hiểm mình đóng, phần doanh nghiệp đóng hoặc Nhà nước hỗ trợ phải tới tuổi nghỉ hưu mới được rút; có thể cho người lao động mất việc làm được vay ưu đãi số tiền bằng 50 - 70% số tiền đã đóng bảo hiểm...

Còn theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trước mắt, Bộ sẽ tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu hơn về chính sách; kết nối thị trường lao động, tạo việc làm để người lao động tiếp tục trở lại làm việc và đóng bảo hiểm. Về lâu dài, Bộ đang chủ trì soạn thảo luật sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 trong đó có một số đề xuất mới theo hướng tăng quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội như giảm thời gian đóng để hưởng lương hưu từ 20 năm hiện nay xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm; điều chỉnh quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Có đại biểu Quốc hội đã đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương. Sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt; điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ bảo hiểm để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ. Ngoài ra, cần sửa đổi Luật Việc làm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện bao gồm lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ 1 tháng trở lên...

Bảo hiểm xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, là trụ cột an sinh xã hội, là lưới an sinh cơ bản trong bảo đảm quyền công dân. Do đó, khi xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và chính sách hưu trí nói riêng đều hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo đảm an sinh xã hội, người lao động khi hết tuổi sẽ được hưởng lương hưu. Nhưng với thực trạng rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay, chính sách này có thể bị phá vỡ. Do đó, bên cạnh các giải pháp của các cơ quan chức năng, điều quan trọng là người lao động phải hiểu bảo hiểm xã hội là khoản tích lũy của tuổi già chứ không phải khoản dùng để giải quyết những khó khăn hiện tại.

Ninh Hà