Đoàn kết, sáng tạo, làm nên nhiều thành tựu quan trọng
Nhìn lại thành quả 60 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trên nền tảng kế thừa các thế hệ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã đoàn kết, sáng tạo, làm nên nhiều thành tựu quan trọng.
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tỉnh bám sát 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung tổ chức lập quy hoạch; nắm bắt thời cơ, xây dựng và đề xuất mô hình phát triển mới cho vùng động lực và các cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực, tiền đề phát triển lâu dài.
Tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thu hút nhà đầu tư chiến lược triển khai nhiều dự án quan trọng tại địa bàn, nhất là hạ tầng giao thông đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Từ một địa phương nằm trong tình trạng yếu kém, chủ yếu dựa vào hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh công nghiệp, dịch vụ năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực với 7 năm liên tục (2016 - 2022) đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số.
Rõ nét hơn cả là trong 3 năm (2020, 2021, 2022) dù chịu tác động tiêu cực, nghiêm trọng chưa từng có của đại dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn tự lực, kiên cường bằng những quyết sách khoa học, đúng đắn, sát thực, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”; trở thành một trong số ít địa phương điển hình, điểm sáng của cả nước về phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo
Tại buổi làm việc tại tỉnh Quảng Ninh ngày 6.4.2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận: các nhiệm kỳ kế tiếp nhau của tỉnh đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết, nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính để phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế cho phát triển; đẩy nhanh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh, phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc...
Tiếp tục nắm bắt thời cơ và nhận diện những khó khăn trong năm 2023, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 28.11.2022) của Tỉnh ủy về chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Đồng thời, quyết liệt triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16.11.2020) của Tỉnh ủy, tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn đầu tư FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT); ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, đóng góp lớn cho ngân sách; đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy các dự án thứ cấp trong KCN, KKT; tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành than, điện, du lịch, dịch vụ phát triển...
Với tư duy đổi mới, sáng tạo, Quảng Ninh tiên phong, đi đầu, tạo đột phá trong nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội... Theo dữ liệu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2022, Quảng Ninh trở thành địa phương đứng thứ nhất cả nước có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất. Những công trình liên kết vùng của tỉnh trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy liên kết giữa các vùng kinh tế trong bối cảnh hiện nay; phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.