Hiện thực hóa chính sách bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái

- Chủ Nhật, 25/04/2021, 07:29 - Chia sẻ
“Gần một nửa phụ nữ trên thế giới không được quyền tự chủ thân thể của chính mình”. Đây là thông tin được đưa ra tại Lễ Công bố Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2021 với chủ đề “Cơ thể tôi là của tôi: Mưu cầu quyền tự chủ và tự quyết” do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Theo các đại biểu, phụ nữ không chỉ cần thêm quyền tự chủ, mà còn được tiếp cận những tiến bộ trong y tế và giáo dục, gia tăng thu nhập và bảo đảm an toàn.

Pháp luật cần công bằng hơn với phụ nữ

Theo báo cáo được chia sẻ tại lễ công bố, tại các quốc gia có số liệu đầy đủ, chỉ 55% phụ nữ hoàn toàn có quyền lựa chọn về dịch vụ y tế, sử dụng biện pháp tránh thai; 71% quốc gia bảo đảm người dân được tiếp cận gói dịch vụ chăm sóc thai sản tổng thể. Cùng với đó, chỉ có 75% quốc gia bảo đảm người dân được tiếp cận các biện pháp tránh thai hợp pháp, đầy đủ và bình đẳng.

Ngoài ra, cũng theo báo cáo, chỉ có 80% quốc gia có Luật Hỗ trợ sức khỏe tình dục và hạnh phúc cho người dân và 56% quốc gia có các văn bản pháp luật và chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình giáo dục giới tính toàn diện. Đáng chú ý, trong bản báo cáo của UNFPA đã đề cập đến những cách thức khác nhau liên quan tới quyền tự chủ thân thể của phụ nữ, nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai, trong đó có nhiều con số rất đáng báo động.

Trưởng Đại diện UNFPA Naomi Kitahara chia sẻ, "sự phủ nhận quyền tự chủ thân thể là hành vi vi phạm quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái, làm gia tăng bất bình đẳng và tiếp tay cho tình trạng bạo lực do phân biệt giới tính. Việc này không khác gì sự hủy diệt con người về mặt tinh thần và phải được ngăn chặn".

Cần hiện thực hóa chính sách bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái

Nâng quyền làm chủ cho phụ nữ

Nhấn mạnh tầm quan trọng về quyền tự chủ của phụ nữ và trẻ em gái, theo bà Naomi Kitahara, khi được kiểm soát thân thể của chính mình, người phụ nữ có thể làm chủ các khía cạnh khác trong cuộc sống. Phụ nữ không chỉ có thêm quyền tự chủ, mà còn được tiếp cận những tiến bộ trong y tế và giáo dục, gia tăng thu nhập và bảo đảm an toàn. Phụ nữ sẽ có cơ hội để phát triển và gia đình, cộng đồng và quốc gia của họ cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển này. 

Nói về quyền làm chủ cho phụ nữ tại Việt Nam, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Tường Lâm cho biết, quyền tự chủ cơ thể được đo lường thông qua 2 chỉ số của các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) là chỉ số 5.6.1 và 5.6.2. Theo đó, Việt Nam có chỉ số 5.6.2 (về sự sẵn có của hệ thống luật pháp, các văn bản quy định hoặc chính sách bảo đảm tính đầy đủ và bình đẳng về quyền tiếp cận thông tin và giáo dục về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và nam giới từ 15 tuổi trở lên) đạt 54% trên 100%, cao hơn Nepal (48%) nhưng thấp hơn Campuchia (98%) và Myanmar (75%). Việt Nam cũng chưa có số liệu đầy đủ cho chỉ số 5.6.1 (tỷ lệ phụ nữ từ 15 - 49 tuổi tự đưa ra quyết định về sức khỏe sinh sản), nhưng có kế hoạch thực hiện trong những năm tới.

Thực tế đó đòi hỏi, các cấp của Trung ương Đoàn, Hội cần cụ thể hóa các chính sách về chăm sóc sức khỏe cho thanh niên đã được quy định tại Luật Thanh niên 2020; chủ động, tăng cường phối hợp với các bộ ngành, cơ quan về công tác thanh niên, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành, kỹ năng tư vấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên, cộng tác viên tuyên truyền, tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho thanh, thiếu niên ở Việt Nam.

Dương lê