Tiên phong tăng cường đại biểu chuyên trách

- Chủ Nhật, 30/01/2022, 06:19 - Chia sẻ

Nhìn lại hoạt động trong năm đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 có thể thấy, vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, với tinh thần chủ động, trách nhiệm, HĐND thành phố Hà Nội đã thích ứng linh hoạt để thể hiện đậm nét vai trò, nỗ lực đổi mới, là “điểm sáng”, “hình mẫu” trong hoạt động của cơ quan dân cử cả nước. Nhất là quyết tâm cho việc ban hành Nghị quyết số 160/2021/QH14 ngày 8.4.2021 thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố với số lượng đại biểu chuyên trách cao nhất từ trước đến nay - một công việc rất khó và có tính tiên phong của HĐND thành phố Hà Nội.

Nhìn lại năm 2021 với nhiều sự kiện lớn và tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng trên phạm vi cả nước và thủ đô, có thể thấy, Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị TP. Hà Nội đã phát huy tinh thần chủ động, quyết liệt, đoàn kết, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, bám sát tình hình, ưu tiên dành nguồn lực để vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19; vừa phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Phó Bí thư Thành ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn (đứng thứ 3 từ trái qua) kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Chợ hoa Quảng Bá, quận Tây Hồ

Trong những kết quả chung đó, có đóng góp quan trọng từ hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, đặc biệt là HĐND thành phố đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, được cử tri, nhân dân thủ đô ghi nhận, được lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố đánh giá cao, là “điểm sáng”, “hình mẫu” trong hoạt động của các cơ quan dân cử của cả nước.

Số lượng đại biểu chuyên trách cao nhất

Năm 2022, Đảng đoàn HĐND thành phố Hà Nội nhất quán phương châm hành động “đổi mới, sâu sát, khoa học, hiệu quả”. Quán triệt thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.  Thường trực HĐND thành phố sẽ chủ động sớm trong chuẩn bị các kỳ họp với những nội dung sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển; lựa chọn nội dung và tổ chức tốt các phiên giải trình giữa 2 kỳ họp; đẩy mạnh giám sát, tăng cường TXCT chuyên đề, triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị cử tri

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn

Theo Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hà Nội là một trong 3 thành phố trên cả nước (TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (trong đó có việc không tổ chức HĐND ở cấp phường hoặc cả quận và phường).

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh: Cùng với quy định mở rộng thẩm quyền cho HĐND cấp trên để không ảnh hưởng đến việc kiểm soát quyền lực cũng như bảo đảm quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân, một yêu cầu quan trọng đặt ra là cần nghiên cứu tăng cường nguồn lực, nhất là tăng số đại biểu chuyên trách để HĐND cấp trên có thể đảm đương được khối lượng lớn công việc được giao tăng thêm.

Không những vậy, việc bảo đảm và tăng số lượng đại biểu chuyên trách để tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương cũng là câu chuyện được nhắc đến nhiều trong nhiệm kỳ 2016 - 2021. Nhất là xung quanh đề xuất giảm số đại biểu chuyên trách cấp tỉnh, huyện khi sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Nhận thức rõ yêu cầu này, triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đảng đoàn HĐND thành phố đã chủ động đề xuất với Thành ủy đề nghị các cấp có thẩm quyền tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách nhưng không làm phát sinh tăng biên chế hành chính của thành phố được giao để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố.

Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, Đảng đoàn HĐND thành phố đã thực sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt trong chuẩn bị dự thảo, các phiên họp thẩm tra… Kết quả của những nỗ lực đó là việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 160/2021/QH14 ngày 8.4.2021 thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội; Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2021/NĐ-CP ngày 15.7.2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Theo đó, HĐND thành phố có số lượng đại biểu chuyên trách cao nhất từ trước đến nay. Đây là công việc rất khó và có tính tiên phong, đi đầu của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để HĐND thành phố Hà Nội nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động.

Đây không phải là lần đầu tiên HĐND thành phố Hà Nội tiên phong trong việc đề xuất và tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Nhớ lại những nhiệm kỳ trước, trên cơ sở Đề án 04-ĐA/TU ngày 19.10.2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016, HĐND thành phố cũng đã tiên phong, mạnh dạn bố trí tăng số lượng đại biểu chuyên trách HĐND các cấp. Thực tế đã minh chứng, đây là một yếu tố rất quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của HĐND các cấp thành phố; cũng là cơ sở thực tiễn để luật hóa việc quy định tăng số lượng đại biểu chuyên trách trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, tạo ra nguồn lực quan trọng cho những khởi sắc trong hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Đi đến cùng những lĩnh vực “nhạy cảm”

Hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 bắt đầu trong bối cảnh đặc biệt khi làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, vượt lên trên những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ đó, HĐND thành phố đã nhanh chóng thích ứng linh hoạt để thể hiện đậm nét vai trò đồng hành với UBND trong nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”. Đặc biệt, tinh thần chủ động, nỗ lực đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động của Quốc hội Khóa XV với vai trò tiên phong đã tác động lan tỏa sâu rộng tới các hoạt động của HĐND thành phố.

Theo đó, công tác phối hợp của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các cơ quan liên quan chặt chẽ, kỹ lưỡng, từ sớm trong các khâu chuẩn bị, rà soát, phản biện xã hội để nâng cao chất lượng các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Các kỳ họp HĐND thành phố đã bố trí dành nhiều thời gian hơn để các đại biểu thảo luận tại tổ và hội trường nhằm phát huy kinh nghiệm, trí tuệ của các đại biểu, lan tỏa không khí dân chủ, công khai để hoạt động nghị trường thực chất và hiệu quả hơn. Trong hoạt động giám sát, khảo sát, điểm mới là việc chỉ đạo phối hợp giữa các Ban HĐND đối với các lĩnh vực có cùng đối tượng giám sát; hình thức giám sát được đổi mới từ việc lựa chọn địa điểm, phương thức giám sát tới tận cử tri, thôn, tổ dân phố và cấp xã, trực tiếp tới từng công trình, dự án cụ thể; việc theo dõi giải quyết các kết luận giám sát, thực hiện tái giám sát tiếp tục được chú trọng…

Ghi nhận những dấu ấn từ tinh thần chủ động, trách nhiệm của HĐND thành phố, tại Hội nghị kiểm điểm Đảng đoàn HĐND thành phố năm 2021 mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đinh Tiến Dũng mong muốn: Năm 2022, HĐND thành phố tiếp tục tăng cường giám sát, tái giám sát, giải trình, chất vấn để bảo đảm đi đến cùng những lĩnh vực “nhạy cảm”, nhất là việc phát huy, truy đến cùng việc xử lý các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh việc tiếp tục rà soát, nâng cao hơn nữa giải quyết các kiến nghị của cử tri, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với cử tri và nhân dân, để thực sự là kênh gắn bó, gần gũi, đại diện của cử tri và phải ghi dấu ấn, tạo sự tin tưởng tuyệt đối của cử tri, nhân dân vào người đại diện của mình.

THÁI AN