Chủ động đổi mới, vun đắp niềm tin của cử tri và Nhân dân

- Thứ Ba, 01/02/2022, 05:43 - Chia sẻ

Trao đổi về chủ đề: Chủ động đổi mới, vun đắp niềm tin của cử tri và nhân dân vào hoạt động của chính quyền, các khách mời đều chung nhận định, với vai trò tiên phong, dẫn dắt, thúc đẩy của Quốc hội Khóa XV, HĐND các cấp sẽ và cần không ngừng đổi mới, nỗ lực phát huy trách nhiệm để không chỉ thể hiện vai trò chủ động mà luôn đặt lợi ích của cử tri và Nhân dân lên trên hết, trước hết, đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm. Qua đó, góp phần quan trọng khẳng định bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện, vun đắp niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với hoạt động của hệ thống chính trị cũng như cơ quan dân cử.

Các vị khách mời tham gia cuộc trao đổi bàn tròn cùng Báo Đại biểu Nhân dân gồm: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh HOÀNG TRUNG DŨNG; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An MAI VĂN NHIỀU; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương NGUYỄN TRƯỜNG NHẬT PHƯỢNG.

“Làn gió mới” cho hoạt động của cơ quan dân cử địa phương

- PV: Đầu tiên, xin được hỏi Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng, nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND các cấp bắt đầu trong một bối cảnh đặc biệt khi làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố. Vượt lên trên những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ đó, các cơ quan dân cử địa phương đã nhanh chóng thích ứng linh hoạt để đồng hành trong nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”. Bà nhìn nhận như thế nào về đánh giá này?

-  Nguyễn Trường Nhật Phượng: Có thể khẳng định, vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do tác động to lớn của đại dịch Covid-19, ngay từ đầu nhiệm kỳ, HĐND các địa phương, nhất là những tỉnh, thành phố dịch bệnh diễn biến phức tạp đã phát huy sự linh hoạt, tinh thần trách nhiệm, vai trò đồng hành với UBND trong khẩn trương, linh động, kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh. Đặc biệt là ban hành các chính sách hỗ trợ, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đối với HĐND tỉnh Bình Dương, trong năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới, trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã linh hoạt tổ chức làm việc với phương thức phù hợp, nhất là giữa hai kỳ họp - thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, làm “khóa chặt, đông cứng” nhiều hoạt động; nghiên cứu, tham mưu HĐND tỉnh kịp thời ban hành 8 chế độ hỗ trợ đặc thù bằng hình thức lấy phiếu biểu quyết của đại biểu HĐND tỉnh.

Bên cạnh đó, trên cơ sở Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 6.8.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc, chủ động nắm bắt kịp thời những yêu cầu thực tiễn, Thường trực HĐND tỉnh tăng cường ban hành các chế độ, chính sách trên cơ sở phối hợp chặt với UBND tỉnh, nhằm phục vụ yêu cầu cấp bách vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm nhu cầu cuộc sống của người dân khó khăn ở các phường bị “khóa chặt” vì dịch bệnhQua đó, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần chung tay ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

- PV: Thưa Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều, đối với Long An, không chỉ đồng hành với UBND trong nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, trong khó khăn, thử thách, cơ quan dân cử địa phương vẫn luôn nỗ lực đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động ngay từ đầu nhiệm kỳ?

Các hoạt động quyết định và giám sát của cơ quan dân cử trước hết phải dựa trên quan điểm bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Phải xem xét, đánh giá quá trình thực hiện của các cơ quan chức năng, nhất là các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, phân bổ các nguồn lực xã hội có bảo đảm công khai, minh bạch, đặc biệt là cách thức cung cấp thông tin đến người dân có đúng đối tượng, đủ thông tin và kịp thời không; người dân có đồng thuận, tích cực tham gia hay không; có tạo điều kiện và chấp hành việc kiểm tra, giám sát của người dân theo quy định không; hiệu quả thực tế mang lại cho người dân là gì.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều

- Ông Mai Văn Nhiều: Long An, Bình Dương đều là những địa phương “tâm dịch” trong đợt bùng phát thứ tư của cả nước, cùng với đồng hành trong phòng chống dịch với những quyết sách kịp thời và tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện, chúng tôi quyết tâm, nỗ lực đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động từ đầu nhiệm kỳ ngay cả trong điều kiện khó khăn nhất, xem đó là “liều thuốc thử” đối với HĐND tỉnh nhiệm kỳ mới. HĐND tỉnh đã chủ động ban hành Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Quy chế và Chương trình làm việc toàn khóa, đề ra phương châm hoạt động “Quyết tâm cao, khát vọng lớn, giải pháp mạnh, hành động quyết liệt, thích ứng nhanh nhạy”. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng ngay từ đầu nhiệm kỳ, kỳ vọng tiếp tục tạo đột phá, nâng chất, tầm hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Từ những nỗ lực trên, ngay trong năm chuyển giao, HĐND tỉnh Long An đã hoàn thành khối lượng lớn công việc. Đặc biệt, với tinh thần đổi mới, bám sát thực tiễn, đã tổ chức thành công 2 Chương trình Đối thoại phát trực tiếp trên Đài PTTH tỉnh về vấn đề điện, nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất ở nông thôn và giải pháp ngăn chặn, xử lý nạn tín dụng đen; tổ chức Phiên giải trình trực tuyến về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh. Đây là điểm nhấn nổi bật, làm đa dạng hình thức giám sát, tương tác, lắng nghe và giải quyết các vấn đề bức xúc của cử tri.

- PV: Thưa Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, bên cạnh nỗ lực của các đại biểu và cơ quan dân cử địa phương, có một yếu tố vô cùng quan trọng chính là “làn gió mới” từ việc không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng các hoạt động của Quốc hội Khóa XV. Điều này sẽ tác động lan tỏa đến HĐND các cấp như thế nào, thưa ông?

- Ông Hoàng Trung Dũng: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, các kỳ họp của Quốc hội Khóa XV đã ghi dấu ấn đậm nét với sự sáng tạo, đổi mới, linh hoạt, thích ứng với hoàn cảnh, để lại ấn tượng tốt đẹp trong cử tri và Nhân dân cả nước. Tinh thần đổi mới, nỗ lực không ngừng của Quốc hội đã lan tỏa rộng đến hoạt động của các địa phương, nhất là việc chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, trách nhiệm cao của các cơ quan Quốc hội, tạo hứng khởi mới cho hoạt động của HĐND các cấp.

Trước yêu cầu thực tiễn và sự lan tỏa trong đổi mới các hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp tỉnh Hà Tĩnh đã có những đổi mới về phương thức hoạt động để cụ thể hóa các nội dung trọng tâm, đột phá. Theo đó, công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp được tiến hành từ sớm, bảo đảm khoa học, kỹ lưỡng, chu đáo và trách nhiệm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động của đại biểu và kỳ họp được triển khai kịp thời. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được đổi mới theo hướng chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm, tạo không khí đối thoại dân chủ, thẳng thắn, thực chất. Việc dành hẳn phần lớn thời gian kỳ họp cho phiên chất vấn đã giúp lý giải thấu đáo nhiều vấn đề, tìm các giải pháp căn cơ, lộ trình cụ thể, gắn trách nhiệm các cơ quan liên quan để giải quyết các băn khoăn, kiến nghị của cử tri.

Vun đắp niềm tin của cử tri, nhân dân

- PV: Hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng củng cố, vun đắp niềm tin của Nhân dân vào chế độ và hoạt động của chính quyền. Thưa Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, ông nghĩ như thế nào về vai trò của đại biểu và cơ quan dân cử đối với trọng trách này?

Thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới và phát huy hơn nữa các hoạt động tham vấn, tọa đàm bằng hình thức trực tuyến, lấy phiếu xin ý kiến, phiếu thăm dò…; thu hút, mở rộng đối tượng tham gia, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài tỉnh, các tổ chức, doanh nghiệp, con em xa quê… nhằm cung cấp thông tin, cơ sở khoa học trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan dân cử, tạo dựng và vun đắp niềm tin của cử tri và nhân dân đối với hoạt động của hệ thống chính trị cũng như cơ quan dân cử.

 Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng

- Ông Hoàng Trung Dũng: Với vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, quá trình hoạt động, đại biểu dân cử phải luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết, thấu hiểu, chia sẻ và phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”.

Thời gian qua, các đại biểu dân cử cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh luôn quan tâm chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Điều đó thể hiện rõ qua các hoạt động thường niên, nhất là đã chú trọng ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tất cả đều gắn liền với vai trò, sứ mệnh “vì nhân dân” của người đại biểu. Với nhiều sáng kiến và quyết tâm lớn mang tính nhân văn, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức đón hàng ngàn phụ nữ mang thai, người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, học sinh, em nhỏ sinh sống, học tập, làm việc tại các tỉnh phía Nam trở về quê tránh dịch; hỗ trợ người từ vùng dịch di chuyển qua địa bàn; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ, nhà ở kiên cố cho hộ chính sách… Cử tri và nhân dân ngày càng tin tưởng vào hệ thống chính trị và cơ quan đại diện do mình bầu ra.

- PV: Xin được hỏi Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều, theo ông, với chức trách của mình, đại biểu dân cử, cơ quan dân cử cần làm gì để củng cố, tăng cường niềm tin của cử tri và Nhân dân vào hoạt động của chính quyền?

- Ông Mai Văn Nhiều: Nhiệm kỳ mới có những yêu cầu mới, điều kiện bình thường mới, cử tri và nhân dân có những đòi hỏi, kỳ vọng khác hơn, cao hơn trước. Đó là quy luật mà đại biểu, cơ quan dân cử phải tự nhận thức, tự đổi mới, phấn đấu nâng tầm hơn.

Tại Long An, trên cơ sở định hướng đổi mới của Quốc hội Khóa XV, kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đặc biệt, đưa các nội dung đổi mới vào Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh, gắn với bảo đảm thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “Trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”. Theo đó, các quyết định, cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh ban hành trên cơ sở: Lấy quyền, lợi ích số đông nhân dân làm gốc; sát với đời sống của người dân, doanh nghiệp; nghe cử tri góp ý từ nhiều phía; phù hợp với tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là các vấn đề bức xúc... Cùng với đó, các hoạt động giám sát trước hết phải dựa trên quan điểm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

- PV: Thưa Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng, bà đánh giá như thế nào về việc cần thiết phải thắt chặt hơn nữa mối quan hệ “máu thịt” giữa đại biểu và cử tri?

Trong mối liên hệ với cử tri, đại biểu dân cử chính là “cầu nối” xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, để qua đó củng cố niềm tin của người dân vào bộ máy nhà nước; đồng thời, tạo điều kiện cho Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Ở chiều ngược lại, từ mối liên hệ với cử tri, đại biểu dân cử như có “thêm tai, thêm mắt”, có cơ sở thực tiễn để thực hiện hiệu quả vai trò, trách nhiệm pháp luật đã quy định. Người đại biểu gần dân, sát dân, thấu hiểu những tâm tư, tình cảm, bức xúc, mong muốn của dân, chắc chắn sẽ có điều kiện hoàn thiện mình để trưởng thành hơn và ngày càng khẳng định phẩm chất, năng lực.

Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng

- Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng: Việc thắt chặt mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri hết sức quan trọng và cần thiết. Bởi cuộc sống và cử tri luôn là người thầy, là trường học lớn để đại biểu dân cử rèn luyện và dấn thân. Từ trường học của nhân dân, đại biểu học cách lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng cử tri; học cách đi tìm lời giải cho những vấn đề cử tri đặt ra; học cách chắt lọc thông tin để thực hiện chức năng giám sát và quyết định; học cách giải thích và vận động cử tri thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật... Là người đại diện của cử tri, đại biểu còn học cả cách lắng nghe bằng trái tim, đặt mình vào vị trí cử tri để thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm sâu sắc với những vấn đề đặt ra để cùng tìm cách giải quyết hiệu quả.

Để học được những điều đó, ngoài tâm huyết và tinh thần trách nhiệm, đòi hỏi đại biểu phải có kiến thức và rèn luyện những kỹ năng hoạt động như kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, đối thoại, kỹ năng ghi chép, phân tích, tổng hợp, giải quyết những vấn đề cử tri đặt ra... 

 Đưa cuộc sống vào chính sách, pháp luật

- PV: Để đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, trước hết phải đặc biệt quan tâm đưa cuộc sống vào chính sách, pháp luật. Ông suy nghĩ như thế nào về quan điểm này, thưa Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An Mai Văn nhiều?

- Ông Mai Văn Nhiều: Quan điểm đưa cuộc sống vào chính sách, pháp luật không chỉ xuất phát từ thực tế hiện nay ở đâu đó trong hệ thống cơ quan dân cử vẫn còn xảy ra tình trạng ban hành nghị quyết chưa sát hợp, mà đó còn là đòi hỏi của cử tri, là phương châm hoạt động của các cơ quan dân cử như tôi đã trao đổi.

Đối với HĐND tỉnh Long An, bám sát tinh thần Đề án đổi mới và Chương trình làm việc toàn khóa, nhiệm kỳ này, chúng tôi sẽ thực hiện vai trò chủ động và dẫn dắt trong các công việc chung của tỉnh. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban và gợi ý các đại biểu HĐND tỉnh chủ động nghiên cứu các chính sách, pháp luật, mô hình hay liên quan và nắm bắt thực tế đời sống địa phương để sẵn sàng tham gia chuẩn bị các nội dung kỳ họp từ sớm, từ xa. Mặt khác, chúng tôi mở rộng nhiều kênh thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến nhiều chiều trước khi ban hành chính sách. Trong đó, hình thức họp Cụm Tổ đại biểu HĐND tỉnh với chính quyền địa phương nơi ứng cử đã cung cấp cho HĐND tỉnh nhiều ý kiến rất thiết thực... cung cấp cơ sở để đưa cuộc sống vào các quyết định của HĐND.

- PV: Để nâng cao tính thực tiễn của chính sách, pháp luật, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội Khóa XV đã chú trọng tổ chức hoạt động tham vấn, tọa đàm để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học... Đây cũng chính là cơ sở định hướng, thúc đẩy HĐND các cấp tổ chức các hoạt động tham vấn trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách, thưa Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng?

- Ông Hoàng Trung Dũng: Để nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật, thời gian gần đây Quốc hội Khóa XV đã chú trọng tổ chức tham vấn, tọa đàm lấy ý kiến sâu rộng các chủ thể, đối tượng liên quan… phát huy tối đa trí tuệ các vị đại biểu dân cử và thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý chuyên sâu trong và ngoài nước. Từ đó, hình thành các luận cứ khoa học gắn chặt với lý luận và thực tiễn để Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng xây dựng chính sách, pháp luật sát đúng. 

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng HĐND các cấp tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực nghiên cứu, xem xét ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ sự chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung và thông qua tổ chức các hội thảo chuyên đề sát với tình hình cụ thể của địa phương, các chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, nhất là chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn mới, đô thị văn minh; khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... 

- PV: Thưa Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng, bà suy nghĩ như thế nào về việc lan tỏa đổi mới trong hoạt động của Quốc hội Khóa XV, cụ thể ở đây là việc tăng cường đưa cuộc sống vào chính sách và pháp luật?

- Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng: Để tăng cường đưa cuộc sống vào chính sách và pháp luật, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã tăng cường, chú trọng tham vấn, tọa đàm để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý chuyên sâu hàng đầu… thể hiện rõ phương châm chủ động, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Gần đây nhất là việc tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 - một hình thức tham vấn Nhân dân để có thêm nhiều thông tin, luận cứ trong xây dựng chính sách của Nhà nước.

Là hình mẫu trong tổ chức và hoạt động, cách làm tiên phong của Quốc hội sẽ dẫn dắt, thúc đẩy HĐND các địa phương không ngừng nỗ lực, đổi mới để không chỉ thể hiện vai trò chủ động mà còn góp phần quan trọng khẳng định bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân được tôn trọng thông qua cơ chế dân chủ đại diện. Đó là việc chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, vào cuộc từ sớm, từ xa, cải tiến căn bản cách thức lắng nghe, tham vấn ý kiến Nhân dân một cách dân chủ. Nhất là tăng cường các giải pháp để người dân – đặc biệt là đối tượng chịu tác động của quyết sách cũng phải nắm, hiểu được từ sớm, có thời gian nghiên cứu, góp ý, phản biện; cơ quan chủ trì soạn thảo có thời gian tiếp thu, phản hồi, trao đổi đa chiều, tiếp thu tối đa những đóng góp thiết thực nhằm huy động tối đa trí tuệ của nhân dân, đặc biệt là tạo đồng thuận trong thực thi để các chính sách thực sự đi vào đời sống.

  - Xin trân trọng cảm ơn các khách mời!

PHƯƠNG NHUNG thực hiện