Hào hứng áp dụng phương pháp dạy mới

- Thứ Hai, 22/11/2021, 17:11 - Chia sẻ
Bước sang năm thứ 2 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên trên cả nước vẫn đang miệt mài, hào hứng vừa tham gia bồi dưỡng, tập huấn vừa giảng dạy chương trình mới.
Giáo viên được chủ động, sáng tạo khi dạy theo chương trình mới.
Giáo viên được chủ động, sáng tạo khi dạy theo chương trình mới

Thoát cảnh trèo đèo lội suối về trung tâm tập huấn

Khác với những năm trước, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai mô hình mới bồi dưỡng giáo viên kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, chuyển từ bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng, thì nay, giáo viên và cán bộ quản lý trên cả nước có thể tham gia học các khóa bồi dưỡng ngay tại nhà, bất kể thời gian nào. Theo cô Hoàng Thị Điệu, giáo viên điểm Trường Tiểu học Chè Lỳ (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), nếu như những năm trước, cô thường phải đi hàng chục cây số đường đồi núi, lội bùn lầy dắt xe về trung tâm huyện để tập huấn, thì đến nay, quãng đường ấy đã rút ngắn lại bằng 0. Chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, cô Điệu có thể tham gia tập huấn các kỹ năng, phương pháp giảng dạy mới trực tuyến ở bất cứ đâu.

“Tập huấn chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới trong khuôn khổ Chương trình Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), giáo viên đỡ vất vả hơn rất nhiều, đặc biệt là những người công tác tại vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn. Chưa kể, mỗi lần đi tập huấn, giáo viên trèo đèo lội suối về đến trung tâm đã không còn sức để học, mỗi lớp tập huấn có đến hàng trăm người, nên việc tiếp thu hiệu quả không cao. Mô hình bồi dưỡng mới này giúp giáo viên chủ động hơn về mặt thời gian, có thể học bất cứ lúc nào. Đội ngũ giáo viên cốt cán và giảng viên các trường sư phạm luôn hỗ trợ rất nhiệt tình”, cô Điệu cho biết.

Công tác tại điểm trường xa trung tâm, những giáo viên như cô Hoàng Thị Điệu khó khăn đủ đường. Cô Điệu cho biết, mỗi điểm chỉ có vài ba giáo viên, nên hạn chế rất lớn về cơ hội giao lưu học hỏi. Các thầy cô vẫn thường dự giờ chéo, nhưng việc trao đổi chuyên môn cũng hạn hẹp với một số đồng nghiệp. Tham gia vào cộng đồng giáo viên cùng học tập trên hệ thống trực tuyến của Chương trình ETEP, những khoảng cách địa lý được rút ngắn, cô Điệu cũng như nhiều đồng nghiệp trong trường có cơ hội trao đổi, học hỏi những cách làm mới từ giáo viên toàn huyện, toàn tỉnh, thậm chí trên cả nước.

Bắt nhịp dạy và học trực tuyến tốt hơn

Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các tiết học hiện nay đều thay đổi từ chỗ giáo viên là trung tâm, cô hướng dẫn, trò làm theo sang học sinh là trung tâm, giáo viên chỉ hướng dẫn, định hướng cho học sinh, quan trọng nhất là tạo được hứng thú, tinh thần chủ động học tập cho các em. Theo giáo viên điểm Trường Tiểu học Chè Lỳ (Cao Bằng) Hoàng Thị Điệu, nhờ việc được tập huấn đúng hướng, công tác giảng dạy đã có những thay đổi tích cực. "Chú trọng việc học gắn liền với thực tế, cách kiểm tra đánh giá cũng thay đổi, đánh giá đúng năng lực người học nên bước sang năm thứ 2 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới với phương pháp dạy mới, học sinh dân tộc thiểu số nơi tôi dạy đã mạnh dạn, tự tin hơn nhiều”, cô Điệu nói.

Cô Vi Thị Nhung, giáo viên Trường THCS Châu Thôn (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) cũng chia sẻ, nhờ việc được tập huấn đúng hướng, cô Nhung đã thay đổi phương pháp giảng dạy, thường tổ chức các hoạt động nhóm để học sinh nào cũng được quyền nói, thể hiện bản thân mình. Ví dụ, khi giáo viên đưa ra vấn đề thì có thể gợi mở, cắt nhỏ các vấn đề, từ đó học sinh thích ứng dần dần. Bên cạnh đó, cô cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động nhóm để học sinh nào cũng được làm. "Dạy theo cách mới, giáo viên không phải nói nhiều nhưng bắt buộc phải tìm ra những phương pháp tối ưu nhất cho học sinh thích ứng với vấn đề”, cô Nhung vui vẻ nói.

Không chỉ nhìn rõ sự thay đổi của học sinh mà bản thân các thầy cô cũng nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Đặc biệt, nhờ quá trình bồi dưỡng trực tuyến mà dù dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến các nhà trường phải đóng cửa, chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến, các thầy cô cũng dễ dàng bắt nhịp nhanh chóng. “Thành thạo công nghệ không chỉ giúp hoạt động tập huấn dễ dàng hơn mà còn hỗ trợ đắc lực trong quá trình dạy học trực tuyến”, cô Vi Thị Nhung thừa nhận.

Khải Minh